.

Bao giờ thực phẩm mới thật sự an toàn?

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang là mối quan tâm của người dân, nhất là thời gian vừa qua, nhiều sản phẩm bị phát hiện không bảo đảm chất lượng, gây nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2009 sẽ được tổ chức từ ngày 15-4 đến 15-5 với chủ đề “Cộng đồng trách nhiệm để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng”. Thực tế, khi sản phẩm bị phát hiện không bảo đảm chất lượng VSATTP thì sản phẩm đó đã được lưu hành trên thị trường một thời gian dài. Đến lúc sản phẩm bị “thổi còi”, người tiêu dùng giật mình bởi rốt cuộc, chịu thiệt hại nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng - khách hàng. Có lẽ không còn khái niệm “khách hàng là thượng đế” nữa, với những sản phẩm không bảo đảm VSATTP, doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận, bất chấp đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Và điều đáng nói ở đây là công tác quản lý về chất lượng VSATTP cũng còn quá nhiều bất cập. Có không biết bao nhiêu đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành tại trung ương và các địa phương nhưng công tác xử phạt các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở vi phạm còn mang tính xuề xòa, chưa thật sự nghiêm khắc. Trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2008, các tỉnh, thành phố đã tổ chức hơn 5.000 đoàn thanh tra liên ngành và kiểm tra hơn 182.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; trong đó có gần 135.000 cơ sở đạt tiêu chuẩn, phát hiện 33.503 cơ sở vi phạm các quy định về VSATTP và tạm đình chỉ hoạt động 237 cơ sở.

Năm nay, để Tháng hành động vì chất lượng VSATTP đạt hiệu quả, các cơ quan chức năng cần tăng cường phát hiện kịp thời và đề xuất các giải pháp bảo đảm vệ sinh an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm thực phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Có như thế, người tiêu dùng mới an tâm và quyền lợi của khách hàng mới được bảo đảm.

Năm 2008, cả nước có 205 vụ ngộ độc thực phẩm, với tổng số 7.828 người và 61 trường hợp đã tử vong. So với năm 2007, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm 43 vụ nhưng số người tử vong lại gia tăng. Đáng quan tâm là có tới 66,3% số vụ ngộ độc thực phẩm chưa xác định được nguyên nhân và ngộ độc do độc tố tự nhiên còn khá nhiều (chiếm 25,4%). PGS-TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục VSATTP cho biết, năm 2008 là một năm khó khăn cho công tác quản lý ATVSTP khi dịch tiêu chảy cấp diễn biến phức tạp tại 3 miền Bắc - Trung - Nam; vụ sữa nhiễm melamine từ Trung Quốc; rượu có chứa chất methanol cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn...

Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thông nên nhận thức của cộng đồng về vấn đề VSATTP đã có chuyển biến tích cực như: nhóm người sản xuất thực phẩm có nhận thức đúng về VSATTP đạt trên 55%; nhóm người kinh doanh thực phẩm là 49,4% và nhóm người tiêu dùng là 48,6%. Song, đây chỉ là những con số thống kê, thực tế với những “công bố bất ngờ” từ các cơ quan chức năng về sản phẩm không bảo đảm VSATTP lại gây “thót tim” cho người tiêu dùng.

Để bảo đảm VSATTP phục vụ người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, năm 2009, ngành y tế phấn đấu đến năm 2010 có 90% người sản xuất, 80% người kinh doanh, 80% người tiêu dùng và 100% người quản lý, lãnh đạo có hiểu biết đúng và thực hành đúng về VSATTP; xây dựng 468 mô hình điểm thức ăn đường phố trong cả nước với 80% các cơ sở thức ăn đường phố được cấp giấy chứng nhận VSATTP... Đồng thời, 6 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP sẽ được tiếp tục triển khai, bao gồm: nâng cao năng lực quản lý chất lượng VSATTP ở Việt Nam; thông tin giáo dục truyền thông bảo đảm chất lượng VSATTP; tăng cường năng lực kiểm nghiệm chất lượng VSATTP, xây dựng hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm và phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; bảo đảm VSATTP trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm; bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ nuôi trồng và bảo đảm VSATTP thức ăn đường phố.

Nhiều giải pháp được các ngành, các cấp đưa ra, nhưng cho đến nay, vấn đề VSATTP vẫn gây nhiều băn khoăn, lo ngại cho người tiêu dùng, bởi không ai muốn “tiền mất, tật mang” cả. Thực phẩm bao giờ mới thật sự an toàn vẫn là bài toán đang đi tìm lời giải đáp.

T.B

;
.
.
.
.
.