.

Khuyến nông với an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp thành phố Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong việc định hướng phát triển một nền nông nghiệp bền vững, sạch gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Nhiều giải pháp đặt ra đã phát huy hiệu quả như ngăn chặn dịch bệnh lây lan, sản phẩm nông nghiệp được thị trường chấp nhận, kể cả trong thời điểm ở một số địa phương khác đang có dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Kết quả trên trước hết là do công tác vận động, tuyên truyền, ý thức của người dân cũng như sự hưởng ứng, đồng thuận của toàn xã hội.

Thành phố đã có những chủ trương, biện pháp cụ thể như quy hoạch xây dựng khu chăn nuôi tập trung ở ngoại thành, hỗ trợ di dời, nghiêm cấm chăn nuôi trong nội thành, quy hoạch xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung… bước đầu đã phát huy tác dụng, bảo  đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.

Được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn, thành phố đã đầu tư quy hoạch xây dựng vùng sản xuất rau an toàn ở Bắc Mỹ An, Hòa Tiến, Hòa Phong…; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng dẫn nông dân về sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, hợp lý. Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm Đà Nẵng đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng năng lượng mới Đà Nẵng hướng dẫn và hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi. Đến nay, đa số các trang trại lớn cơ bản đã có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi.

Áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín và sử dụng triệt để nguồn chất thải trong chăn nuôi, công trình khí sinh học (hầm biogas) đã phần nào giải quyết vấn đề bức xúc hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường ở những vùng chăn nuôi tập trung. Với diện tích hơn 4.000ha sản xuất lúa hằng năm của thành phố thì rơm rạ thu được là một con số không nhỏ (khoảng 4 tấn rơm rạ/ha/năm).
 
Trước đây, nguồn rơm rạ này bị nông dân đốt bỏ hoặc vứt bừa bãi làm ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông thì nay đã được người nông dân tận dụng triệt để làm thức ăn cho gia súc, làm nấm rơm vừa tăng thêm thu nhập, vừa giải quyết việc làm lúc nông nhàn. Ngoài ra, diện tích trồng rau màu cũng rất lớn, sau khi thu hoạch các phần loại bỏ còn lại được bà con nông dân tận dụng chế biến làm thức ăn ủ vi sinh sử dụng cho chăn nuôi rất có hiệu quả, làm tăng năng suất vật nuôi mà lại giải quyết được vấn đề môi trường.

Trong những năm qua, Trung tâm Công nghệ sinh học và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Đà Nẵng đã phối hợp xây dựng mô hình sản xuất phân vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, phân gia súc. Sản phẩm phân vi sinh làm ra được người nông dân sử dụng cho trồng rau, màu ở các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Nhờ vậy, vừa giảm được chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vừa tạo ra sản phẩm sạch, an toàn.
 
Đặc biệt, việc bón phân hữu cơ vi sinh này vượt trội so với các loại phân hóa học khác. Cụ thể, nếu đất được bón phân hóa học hoàn toàn lâu dần sẽ dẫn đến chai đất, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, còn đất được bón phân hữu cơ vi sinh thì đất tơi xốp, được bổ sung các loại vi sinh vật hữu ích cho cây trồng, theo tính toán sẽ tiết kiệm được khoảng 3,8 triệu đồng/ha/năm.

Những mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường về lâu dài giúp tạo dựng một nền nông nghiệp bền vững. Tận dụng tốt và triệt để nguồn phế phụ phẩm từ nông nghiệp, trả lại cho đất những gì mà ta lấy đi, đó cũng là cách mà chúng ta bảo vệ môi trường sống của chính mình. Để thay đổi một tập quán sản xuất lâu đời, cần phải có một quá trình bền bỉ, kiên trì, tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng. Trong đó, vai trò của những người làm công tác khuyến nông đóng góp một phần không nhỏ.

DÂN HÙNG

;
.
.
.
.
.