Hiện nay, các loại thực phẩm buôn bán trên thị trường rất đa dạng, phong phú về chủng loại. Trong đó, có không ít loại thực phẩm mà trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm đã “bổ sung” thêm các chất phụ gia, phẩm màu để làm đẹp và giữ cho thực phẩm lâu hư hỏng, nhưng rất có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, phát sinh bệnh tật. Vậy mà công tác kiểm tra, giám định thực phẩm của cơ quan chức năng lại chưa đủ mạnh.
Hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố chưa đủ năng lực tự kiểm tra các chất bảo quản có trong các loại trái cây bày bán trên thị trường. |
Đến nay, năng lực kiểm tra VSATTP của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố mới chỉ thực hiện ở mức độ kiểm tra đơn giản như: Phát hiện vi sinh vật vượt mức cho phép trong thực phẩm, kiểm tra hàn the, phóoc-môn có trong các loại thức ăn… Còn đối với các chất bảo quản có trong các loại trái cây, chất phụ gia, phẩm màu có trong thực phẩm như: cá, thịt… thì trung tâm “bó tay” không kiểm tra được.
Ông Phan Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, mỗi lần kiểm tra các chất phụ gia, phẩm màu trong thực phẩm bày bán trên thị trường, trung tâm phải lấy mẫu gửi đi thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội nhờ xét nghiệm giúp. Quy trình gửi mẫu và chờ kết quả mỗi lần như vậy mất khoảng gần một tháng, đã gây không ít khó khăn trong công tác xử lý các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm.
Thực tế, với năng lực con người và thiết bị, máy móc vừa thiếu vừa lạc hậu, hằng năm trung tâm chỉ kiểm tra được khoảng 60% số doanh nghiệp có chức năng sản xuất, kinh doanh thực phẩm đóng trên địa bàn thành phố.
Theo ông Phan Minh Tiến, để công tác quản lý, kiểm tra VSATTP được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, các cơ quan, ban, ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về VSATTP. Bên cạnh đó, thành phố sớm đầu tư về con người, máy móc, trang thiết bị hiện đại để tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm Y tế dự phòng thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước, kiểm tra VSATTP trên địa bàn.
Bài và ảnh: HÒA KHÁNH