.
NHỊP SINH HỌC TRONG Y KHOA

Uống thuốc kháng giáp lúc nào?

.

Một bạn đọc hỏi: Tôi là một nữ nhân viên văn phòng 32 tuổi, được xác định mắc bệnh Basedow (có siêu âm tuyến giáp, xét nghiệm máu, đo điện tim và đo độ tập trung iode tuyến giáp đầy đủ). Bác sĩ khoa nội tiết đã cho tôi dùng thuốc kháng giáp tên là Carbimazol 5mg với liều 6 viên mỗi ngày và căn dặn phải uống một lần vào buổi sáng.

.

Tôi xin hỏi: Vì sao thuốc Carbimazol phải uống một lần vào buổi sáng? Uống chia nhiều lần hay uống buổi chiều có được không? Thuốc chữa bệnh có bị ảnh hưởng của nhịp sinh học không?

TS.BS Trần Bá Thoại (Bệnh viện Đà Nẵng) trả lời: Bộ máy sinh học trong cơ thể thực vật, động vật và cả con người đều theo một nhịp, một chu kỳ nhất định gọi là nhịp sinh học, hay “đồng hồ sinh học”. Ví dụ: quá trình quang tổng hợp, quá trình hô hấp, chu kỳ ra hoa, sự rụng lá... ở thực vật; nhu cầu ăn, ngủ, ngủ đông, rụng trứng, kinh kỳ, động dục... ở động vật. Trong các nhịp sinh học, quan trọng nhất là nhịp ngày đêm 24 giờ, circadian rhythm, từ này gốc tiếng

La-tinh circa là “vòng quanh” và dies là “ngày”. Ngoài nhịp ngày đêm trong sinh vật sống, còn có nhiều nhịp sinh học khác như: nhịp nhiều ngày (infradian), nhịp ngắn (supradian) và nhịp dạng sóng (tidal rythms).

Ngành khoa học chuyên nghiên cứu mối liên quan giữa nhịp sinh học với hoạt động của sinh vật chính là Thời sinh học (chronobiology, chrono: thời gian, biology: sinh vật học). Nhịp ngày đêm đã được Jean Jacques d’Ortous de Mairan (Pháp) phát hiện năm 1700 trên các loài thực vật; năm 1751, Carolus Linnaeus (Thụy Điển) đã dùng từ “đồng hồ sinh học” để chỉ nhịp sinh học ở thực vật này. Giáo sư William Fliess (Đức) cho rằng, ở con người có tồn tại chu kỳ sức khỏe 23 ngày và chu kỳ bệnh tật 28 ngày. Tiến sĩ Alfred Tellscher còn phát hiện thêm chu kỳ trí tuệ 33 ngày..., sau này còn có nhiều nghiên cứu về chu kỳ trực giác, thẩm mỹ, tâm linh...

Những nghiên cứu, hiểu biết về nhịp sinh học đã được áp dụng nhiều trong ngành nông nghiệp: giúp nông gia chủ động hạn chế mía trổ cờ, nhà vườn cho thanh long ra hoa theo vụ (ảnh), trại chăn nuôi cho gà đẻ nhiều trứng hơn..., với cách đơn giản là thông qua chế độ chiếu sáng / bóng tối, tức là thay đổi thời gian ngày/đêm.

Trong y học, người ta cũng đã phát hiện và xác định rõ chu kỳ sinh học của nhiều quá trình, hệ thống hoạt động trong cơ thể con người: nhịp tim, tần số thở, chu kỳ kinh nguyệt, chu kỳ chế tiết các hóc-môn, nhịp ngày đêm của thần kinh tự động, chu kỳ chuyển hóa trao đổi chất, v.v... Một áp dụng hữu ích thiết thực của thời sinh học trong điều trị là cho thuốc theo giờ - những giờ khắc thuận lợi - để có hiệu quả cao hơn, tối ưu hơn. Ví dụ: Thuốc hệ tim mạch như thuốc hạ huyết áp, lợi tiểu nên cho buổi sáng. Thuốc giảm viêm, giảm đau trong viêm khớp nên uống buổi sáng. Thuốc hệ tiêu hóa, dinh dưỡng như thuốc vitamin, thuốc giảm mỡ trong máu cho buổi chiều.

Thuốc hệ hô hấp như thuốc ho, hen suyễn thường cho vào chiều tối... Thật ra khi dùng thuốc, bác sĩ thường phải nắm biết rõ sinh động học của loại thuốc được sử dụng bao gồm: cơ chế tác dụng của thuốc thế nào, chuyển hóa ra sao, thời gian phân hủy bao lâu, nơi thải trừ thuốc, v.v..., còn yếu tố “thời sinh học” là yếu tố phụ, nên tham khảo thêm, vì không phải tất cả các loại thuốc đều bắt buộc dùng theo chu kỳ sinh học cả.

Trong trường hợp cụ thể bệnh Basedow của bạn, thuốc kháng giáp tổng hợp có hai nhóm: (1) nhóm mercaptoimidazol như biệt dược carbimazol bạn đang sử dụng, vì có thời gian phân hủy dài nên có thể dùng một lần trong ngày vào buổi sáng và (2) nhóm thiouracil như MTU, PTU lại có thời gian phân hủy ngắn hơn nên phải dùng hai lần mỗi ngày.

Câu trả lời cho bạn là: Bác sĩ của bạn đã dựa theo dược động học của thuốc chứ không theo nhịp sinh học.

;
.
.
.
.
.