.

Nỗi lo từ thức ăn đường phố

.

Thức ăn đường phố là đề tài muôn thuở khi bàn đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Ở đó, có nhiều cái để nói, nhiều việc phải làm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp; nhưng rồi, năm này qua năm khác vẫn những chuyện tồn tại chưa được khắc phục!

Những hàng ăn “bốn trong một”

Gánh hàng mỳ này luôn đông khách, mặc dù điều kiện VSATTP ở đây không bảo đảm, mỳ đặt ngay trên nền vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Nhận tiền, trả tiền, bốc thức ăn, rửa chén bát, đó là bốn công việc của một chủ quán cơm bình dân hay hàng bún, mỳ thường thấy trên các tuyến đường của thành phố, tức là “ bốn trong một”. Nguy cơ ngộ độc từ những quán “bốn trong một” này cũng thuộc loại cao nhất hiện nay. Cứ mỗi sáng, nhiều người khoái khẩu món mỳ Quảng P.C lại tìm đến gánh hàng mỳ nằm  trên một góc đường trung tâm thành phố.
 
Gọi là gánh mỳ vì hàng ăn này chỉ bán từ 6 giờ đến hơn 9 giờ sáng là thu dọn và tất cả cũng chỉ bày trên một đôi gánh, bên cạnh là bàn ghế nhếch nhác, nền đất dơ bẩn, rác xả tứ tung. Khó có thể mô tả sự mất vệ sinh ở đây, bởi bát đĩa bẩn được chị chủ gánh mỳ vội tráng sơ qua trong xô nước bên cạnh, rồi vừa bốc mỳ, chan nước, vừa tính tiền, trả tiền thừa…

Quán cơm bụi không tên nằm trên đường P.T đoạn ngay nhà trẻ B.A luôn đông nghẹt khách mỗi buổi trưa. Thực khách của quán ăn này chủ yếu là sinh viên và công nhân. Quán nằm ngay bên cạnh con đường bụi bẩn trong khi thức ăn để lộ thiên trên bàn.

Thấy vậy, bạn Lê Anh Đức, sinh viên Trường Đại học Duy Tân tặc lưỡi: Nếu lấy sự hiểu biết về thực phẩm an toàn thì chắc không ai dám ngồi vào ăn ở những hàng quán như thế này. Chỉ có điều, nếu không ăn ở đây thì chỉ có nhịn, vì quán đàng hoàng một đĩa cơm từ 10 đến 15 nghìn đồng, mà sinh viên tụi em lại “quen” cơm giá rẻ từ 6 đến 8 nghìn đồng thôi.

Đến bệnh viện mới tá hỏa

Kinh doanh thịt quay nhưng không che đậy tránh nắng nóng, bụi bẩn bu bám liệu có ai dám mua?

Theo thống kê, tại Bệnh viện Đà Nẵng, trung bình mỗi tuần tiếp nhận từ 4 đến 6 ca ngộ độc do thức ăn. Bác sĩ Hà Châu Thanh, Trưởng Khoa Khám cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, hầu hết bệnh nhân đến cấp cứu khi qua sàng lọc đầu bị nhiễm độc do vi sinh, trong đó rất nhiều mẫu bệnh phẩm chứa E. coli. Đa số các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm là công nhân lao động trong khu công nghiệp, sinh viên, khi vào bệnh viện mới tá hỏa vì ăn phải thực phẩm ô nhiễm từ các hàng cơm “bốn trong một”. 

Việc không bảo đảm vệ sinh ở các quán ăn đường phố hiện là nguy cơ rất lớn gây ra những bệnh đường ruột mãn tính như lỵ, đại tràng, hoặc một số bệnh lây qua đường ăn uống, chẳng hạn như viêm gan A. Đáng lo ngại là nhiều quán ăn sử dụng chất phụ gia, phẩm màu, hóa chất công nghiệp để chế biến món ăn.

Các chất này có thể sẽ tấn công vào tế bào cơ thể làm tổn thương gen, đây là khởi đầu của căn bệnh ung thư. Tuy nhiên, những hàng quán này vẫn cứ tồn tại và phát triển ngày một nhiều, nhất là ở những khu vực có đông sinh viên, công nhân, trong lúc công tác kiểm tra xử lý vi phạm VSATTP của các ngành chức năng vẫn còn nhiều bất cập.

 
90% HÀNG QUÁN VI  PHẠM VỀ VSATTP

Theo quy định của Bộ Y tế, thức ăn đường phố phải bảo đảm 10 tiêu chuẩn, đó là:

đủ nước sạch, có dụng cụ gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín và sống; nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm; người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ, nhân viên đeo tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng; không sử dụng phụ gia và màu thực phẩm; thức ăn phải được bày bán trên giá cao hơn 60cm, phải được bày bán trong tủ kính và bao gói hợp vệ sinh; có dụng cụ đựng chất thải... Tuy nhiên, nếu xét đúng theo 10 tiêu chí này, thì có đến 90% hàng quán hiện nay vi phạm về VSATTP.

 

Bài và ảnh: QUANG HUY

;
.
.
.
.
.