.

Nói về nước uống đóng chai

Hằng ngày, ngoài việc sử dụng các nguồn nước máy, giếng đào, nhiều người còn dùng nước uống đóng chai (NUĐC) nhưng không hiểu rõ chất lượng loại NUĐC như thế nào, vì vậy mỗi người có một cảm nhận riêng:

Chị Lê Thị Bích, chủ quầy tạp hóa Bích ở đường Hoàng Diệu nói:

“Vì mình làm đại lý lớn nên khi nhập hàng về phải kiểm tra hạn sử dụng. Người mua hàng bữa nay kỹ tính lắm, nên không thể làm qua loa như trước đây được. Khi mua, họ thường chọn những chai nước có vẻ sạch sẽ bên ngoài vỏ, nước có màu trong suốt và chọn mua các loại nước có thương hiệu rõ ràng, được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, theo tôi cũng không nên quá tin vào hai tiêu chí đó”.

Bác Hồ Xuân Ngọc, bán hàng ở đường Trần Phú cho biết:

“Mình bán với số lượng ít nên không quan tâm nhiều đến thương hiệu và các tiêu chí chất lượng NUĐC. Cũng có lúc khách mua phát hiện ra hết hạn thì đổi lại cho họ. Mà ít lắm, khách “khó tính” mới vậy, chứ còn bán dọc đường thế này họ mua cho nhanh để đi, chứ mấy ai dừng lại mà kiểm tra. Mình là người mua đi bán lại chứ đâu phải nhà phân phối mà ngại, chỉ ngại là khách trả lại thì bán không hết hàng thôi”.

Chị Trần Thị Hồng, ở 408/2 Hoàng Diệu lo lắng:

“Thời buổi hiện đại, không lẽ đi chơi, đi picnic lại cầm theo chai nước ở nhà. Rất bất tiện. Theo mình, không nên quá định kiến với NUĐC mà mình phải tự trang bị những kiến thức cần thiết khi đi mua hàng. Nhưng quả thực với tình trạng làm nhái, làm ẩu như hiện nay thì uống nước đun sôi ở nhà vẫn là tốt nhất”.

Anh Trần Hoàng Dũng, ở 46 Nguyễn Chí Thanh chia sẻ:

“Nói thật, con trai tụi mình đi mua hàng ít khi để ý mấy chuyện kiểm tra này nọ, nên có mua phải chai NUĐC hết hạn sử dụng hay hàng nhái thì cũng là… bình thường. Còn lúc đi nhậu thì càng ít quan tâm nữa. Cũng có lúc thấy đưa ra mấy chai nước đã hơi ố màu nhưng bỏ đá vào thì… quên luôn. Nói vậy, nhưng cũng rất lo ngại, vì ngay hạn sử dụng ghi trên sản phẩm đôi lúc còn giả thì người mua hàng như mình làm sao phân biệt được đâu là nước tinh khiết, đâu là nước không tinh khiết. Nói không phải, nếu lỡ uống phải nước “độc” ai sẽ bảo vệ cho mình?”.

Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng - Phó khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết:

Quy trình kiểm định để cấp “Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm” NUĐC được làm kỹ: nhà sản xuất có trách nhiệm đem mẫu thành phẩm (MTP) ban đầu đến trung tâm để làm các xét nghiệm về vi sinh và hóa lý. Trong đó, MTP phải đạt 3 chỉ tiêu về cảm quan (màu sắc, độ đục, mùi vị), 5 chỉ tiêu về vi sinh vật, 10 chỉ tiêu về hóa lý, 8 chỉ tiêu về kim loại nặng và chỉ tiêu về tổng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, việc xét nghiệm MTP ban đầu chỉ cho kết quả để tham khảo, quan trọng nhất là khâu hậu kiểm được tổ chức vào 6 tháng sau.

Theo quy định 01 của Bộ Y tế về vệ sinh an toàn thực phẩm, một cơ sở sản xuất NUĐC phải bảo đảm các tiêu chuẩn về: thiết kế, vị trí, hệ thống thoát nước, trang thiết bị… Hiện nay, lỗi thường gặp ở những cơ sở này là chưa trang bị đầy đủ về bảo hộ lao động cho người lao động. Đây là điều đáng lo, vì bất cứ khâu nào để làm ra một chai NUĐC cũng dễ bị nhiễm khuẩn”.

KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.