.
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VSATTP

4 bộ cùng tham gia nhưng hiệu quả chưa cao

.

Cũng cùng lo cho bữa ăn của người dân, nhưng bên Y tế nói, khâu sản xuất là trách nhiệm của ngành Nông nghiệp, khi thực phẩm vận chuyển dọc đường là trách nhiệm của ngành Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm quy định về tiêu chuẩn, còn ngành Y tế chỉ vào cuộc ở mâm cơm và vấn đề điều trị khi có sự cố mất an toàn thực phẩm. Cái kiểu phân tuyến, chia lẻ như vậy khiến cho độ an toàn của thực phẩm vẫn chưa bảo đảm. 

Bất cập từ quản lý

Kiểm soát việc sử dụng thuốc tăng trọng trong thịt heo đang làm đau đầu các cơ quan chức năng hiện nay.

Một trong những mục tiêu quan trọng mà Chương trình quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hướng tới là phấn đấu đến năm 2010, tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm quy mô công nghiệp của Việt Nam phải áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi HACCP. Đây là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá độ an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay, được các tổ chức uy tín trên thế giới công nhận.

Tuy nhiên, nếu phân cấp quản lý VSATTP như cách nói ở trên của Bộ Y tế thì biết đến khi nào người dân mới hết canh cánh nỗi lo. Do việc thực hiện đúng quy trình HACCP rất khó nên số lượng các doanh nghiệp đạt được chứng chỉ HACCP không nhiều. Riêng tại Đà Nẵng, chỉ có một số rất ít doanh nghiệp và cơ sở sản xuất chấp nhận thực hiện quy trình HACCP. Thực tế các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về diện tích nhà xưởng và nguồn nhân lực, trình độ quản lý. Chính vì vậy, áp dụng quy trình HACCP không phải là việc làm được trong một sớm, một chiều đối với các doanh nghiệp này.

Việc quản lý Nhà nước về VSATTP ở các cơ sở chế biến thực phẩm công nghiệp và bếp ăn tập thể tại các địa phương còn một số nhược điểm như chưa phân công chức năng, nhiệm vụ cụ thể từng ngành về bảo đảm VSATTP. Trong khi đó, công tác tập huấn, đào tạo kiến thức về công nghệ, thiết bị chế biến thực phẩm bảo đảm VSATTP để đủ năng lực phát hiện, xử lý các sai phạm cho đội ngũ thanh tra VSATTP của ngành y tế thành phố hiện chỉ ở mức chung chung.

Điều mà người dân quan tâm nhất hiện nay là ngành chức năng phải công bố thông tin trực tiếp, kịp thời, chính xác về độ ATVSTP của nguồn thực phẩm để dân biết. Ông Phan Tá Sinh, trú tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn bức xúc: “Khi phát hiện vi phạm phải xử phạt nghiêm hoặc có biện pháp cưỡng chế. Nếu không thì cũng cần công khai danh tính đơn vị vi phạm cho người dân biết để phòng ngừa. Nhà tôi thường dùng nước uống đóng chai loại lớn, tuy nhiên, gần đây có nghe thông tin liên tiếp các cơ sở vi phạm ở nhiều nơi nhưng ở Đà Nẵng chưa thấy động tĩnh gì, liệu 100% nước ở đây đạt chất lượng không?”.

Tìm giải pháp lâu dài

VSATTP là “vấn đề nóng” mà người dân lo lắng và rất quan tâm. Chuyên đề giám sát VSATTP của Quốc hội trong thời gian qua đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập trong quản lý. Mặc dù hệ thống pháp luật đã có, song nó chưa thực sự hữu ích để người dân yên tâm về những bữa ăn sạch. Theo Nghị định số 163/2004/NĐ-CP của Chính phủ, có 4 Bộ cùng tham gia thực hiện quản lý Nhà nước về chất lượng VSATTP.

Tuy nhiên, trong quá trình thực phẩm đến với bữa ăn người dân vẫn còn quá nhiều lỗ hổng, quá nhiều công đoạn mất an toàn mà các Bộ chưa mạnh tay xử lý theo phân cấp quản lý. Với vai trò là Bộ chịu trách nhiệm chính, khái quát về quy trình quản lý VSATTP, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế  cho rằng, một mớ rau, một con gà mà có đến 4 Bộ cùng tham gia quản lý. Trong điều kiện công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành chưa thật đồng bộ như hiện nay thì cơ chế quản lý liên ngành này là nguyên nhân lý giải vì sao, các Bộ, ngành cùng đồng loạt ra quân quản lý mà vẫn không hoàn thành nhiệm vụ.

Trong buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về VSATTP với các Bộ, ngành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định quan điểm về vai trò quản lý của các cơ quan Nhà nước và chỉ rõ: Đối với lĩnh vực liên quan đến sức khỏe và tính mạng của cộng đồng như VSATTP thì không thể quản lý theo kiểu “lọt sàng xuống nia”, hay được cái lớn, mất cái bé.

Phải quản lý để làm sao hạn chế tới mức thấp nhất những thực phẩm không sạch lưu thông trên thị trường và không để những thực phẩm không sạch có trong mâm cơm của từng gia đình người dân Việt Nam. Mặc dù những năm qua, công tác kiểm tra, xử phạt được tiến hành khá rầm rộ, nhưng chất lượng VSATTP dường như không có chuyển biến mang tính đột phá.

Trong hoàn cảnh như vậy, nhiều chuyên gia về VSATTP cho rằng, giải pháp tốt nhất là tăng cường kiểm tra thường xuyên, liên tục. Tuy vậy, việc xử lý vi phạm không chỉ dừng lại ở người sản xuất, kinh doanh mà người quản lý, lãnh đạo các địa phương, đơn vị cũng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm. Có như thế mới tạo được sức mạnh tổng hợp, đồng thời đưa hoạt động kiểm soát VSATTP dần đi vào hệ thống đồng bộ, hiệu quả để người dân yên tâm hơn trong việc sử dụng thực phẩm.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.