.
BỘ Y TẾ

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Đà Nẵng

.

Sáng ngày 25-5, Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế có buổi làm việc với Sở Y tế thành phố Đà Nẵng và đi kiểm tra thực tế các phương án cách ly, giám sát bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1, bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp tại Bệnh viện Đà Nẵng và giám sát y tế tại cửa khẩu Sân bay Quốc tế Đà Nẵng.

Xử lý vệ sinh khu vực cách ly thu dung điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 tại khoa lây, Bệnh viện Đà Nẵng.     

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Út cho biết, phương án chống dịch cúm A/H1N1 được duy trì và thực hiện chặt chẽ. Ngoài công tác giám sát, phát hiện và cách ly, ngành Y tế thành phố đã chủ động tổ chức phun hóa chất khử trùng tại nhà ga, bến xe và các chợ. Hiện nay, 7.000 viên Tamiflu do Bộ Y tế cấp phát  đã  được đưa về Đà Nẵng. Tuy vậy, Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ máy đo thân nhiệt và các loại máy phục vụ điều trị bệnh nhân mắc cúm, vì hiện nay Đà Nẵng vẫn còn rất thiếu.

Tiến sĩ Viên Quang Mai, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, Trưởng Đoàn kiểm tra cho biết, qua kiểm tra thực tế, ngành Y tế Đà Nẵng có cơ sở hạ tầng y tế khá đồng bộ; các phương án thực hiện phòng, chống dịch nguy hiểm như cúm A/H5N1, H1N1 và dịch tiêu chảy cấp được triển khai hiệu quả và chủ động; công tác thu dung điều trị và cách ly bệnh nhân thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đúng quy trình chống dịch tại Khoa lây, Bệnh viện Đà Nẵng, các trường hợp nghi nhiễm được phát hiện và tổ chức cách ly theo dõi kịp thời.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Viên Quang Mai nhấn mạnh, về mặt dự phòng, cần phải luôn tích cực cảnh giác, giám sát bệnh nhân có dấu hiệu nghi nhiễm cúm A/H1N1, bệnh nhân tiêu chảy cấp ngay tại các cửa khẩu đường không, đường biển, nhà ga và bến xe, bởi Đà Nẵng là một trong ba đầu mối giao thông quan trọng nhất của cả nước. 

Thống kê của Bộ Y tế, đến nay cả nước phát hiện 63 trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1, tất cả các trường hợp xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với vi-rút cúm A/H1N1. Theo đánh giá, khả năng bệnh cúm A/H1N1 xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn, do vậy ngành y tế các địa phương cần phải cảnh giác cao trong việc giám sát, cách ly các trường hợp nghi ngờ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 24-5 đã ghi nhận 12.022 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 tại 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 86 người đã tử vong. Đáng lưu ý, số ca nhiễm mới tại châu Á tiếp tục tăng nhanh ở một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tại Việt Nam, theo Cục Y tế dự phòng và môi trường khẳng định, cả nước chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm cúm A/H1N1.
 
Ngành y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh có liên quan đến bệnh nhân Lê Thị Bích, Việt kiều nhiễm cúm A/H1N1 được phát hiện và cách ly tại Hàn Quốc.


Tin và ảnh: V.D

;
.
.
.
.
.