.

Người dân Nam Hải Vân “chê” nước sạch

.

Với nguồn nước cấp từ Nhà máy nước Hải Vân có công suất 5.000m3/ngày đêm nhưng người dân phường Hòa Hiệp Bắc vẫn không sử dụng trong sinh hoạt. Họ vẫn coi việc sử dụng nước giếng khoan như là thói quen khó thay đổi, bất chấp nguồn nước có bảo đảm vệ sinh hay không.

Người dân này vẫn sử dụng nguồn nước giếng khoan, bất chấp chất lượng nguồn nước có bảo đảm vệ sinh hay không?

Năm 2002, Tổng Công ty miền Trung lúc ấy là chủ đầu tư dự án KCN Liên Chiểu đã đầu tư xây dựng Nhà máy cấp nước Hải Vân để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Nguồn nước cấp dồi dào nhưng việc sử dụng tại KCN còn hạn chế nên UBND thành phố đã có kế hoạch chuyển giao việc quản lý Nhà máy nước Hải Vân về Công ty Cấp nước Đà Nẵng khai thác.
 
Nhưng ngay sau đó, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng tiếp quản đầu tư KCN Liên Chiểu nên ngày 4-11-2008, UBND thành phố Đà Nẵng có Thông báo số 312/VP-QLĐTư hướng dẫn Công ty CP Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng quản lý Nhà máy nước Hải Vân và trực tiếp cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân phường Hòa Hiệp Bắc. Tuy nhiên đến nay, việc cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vẫn chưa có sự chuyển biến lớn. Với 36 tổ dân phố (ngoại trừ tổ 37 thuộc vùng giáp ranh với xã Hòa Liên), phường Hòa Hiệp Bắc có gần 3.000 hộ dân nhưng mới có 120 hộ sử dụng nước máy sinh hoạt, chủ yếu tại các tổ dân phố 28-36.

Theo đại diện Công ty CP Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng, nguyên nhân người dân không sử dụng nguồn nước máy là do thói quen sử dụng nguồn nước ngầm. Nếu hạch toán chi li thì việc bơm nước giếng khoan để sử dụng sẽ có lợi hơn so với sử dụng nước máy. Tiếp xúc với các hộ dân ở các tổ 25 và 26 phường Hòa Hiệp Bắc, người dân cũng khẳng định việc sử dụng nước giếng khoan vẫn tốt nên không cần thiết sử dụng nước máy. Tuy nhiên, khi chúng tôi uống chén trà do chủ nhà mời vẫn có mùi khác lạ, ngai ngái. Một số ý kiến khác phản ánh không sử dụng nước máy vì tốn tiền lắp đặt đồng hồ và cũng có ý kiến nghi ngại về chất lượng nguồn nước máy.

Làm việc với Công ty CP Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết, những nguyên nhân trên là đúng và người dân có tâm lý chờ đợi sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và địa phương. Ông Tuấn cho hay, chỉ cách nhau một cây cầu nhưng người dân sống bên Hòa Hiệp Nam đang chuẩn bị hưởng lợi từ nguồn nước sạch sinh hoạt của Nhà máy nước Sân bay và được miễn phí lắp đặt đồng hồ nước. Chính vì điều này, người dân Hòa Hiệp Bắc so bì thiệt hơn.

Hiện tại, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng triển khai cấp nước phục vụ nhân dân với các mức giá tương ứng với Công ty Cấp nước Đà Nẵng, tức ngang bằng giá về chi phí lắp đặt đồng hồ nước, ngang bằng về giá tiêu thụ nước sạch đối với hộ gia đình. Công ty thực hiện chính sách ưu đãi chi phí lắp đặt đồng hồ như để người dân trả chậm, giảm 50% giá tiền tiêu thụ nước trong thời gian 6 tháng đầu…

Đối với chất lượng nguồn nước, công ty luôn có sự xác nhận kiểm nghiệm chất lượng nước sinh hoạt của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng cho biết đã 2 lần gửi thông báo về việc cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân tại các tổ 29 và 30, thế nhưng với 130 hộ có yêu cầu cung cấp nước sạch đăng ký ban đầu, khi triển khai chỉ có 4 hộ chấp nhận sử dụng nguồn nước (đa số là cán bộ UBND phường Hòa Hiệp Bắc).

Việc cung cấp nước sạch cho người dân phường Hòa Hiệp Bắc khó khăn cho thấy ngoài nguyên nhân từ các hộ dân, còn là sự chưa mặn mà của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng và công tác thông tin tuyên truyền vận động người dân sử dụng nước sạch ở đây chưa được quan tâm.

Một thông tin từ Công ty CP Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng cho hay, sắp đến, nếu KCN Liên Chiểu thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, chắc chắn nguồn nước cấp cho sinh hoạt của người dân phường Hòa Hiệp Bắc sẽ cắt giảm. Do đó, việc cấp nước sinh hoạt cho nhân dân nơi đây cần quy hoạch đầu tư theo chiều hướng khác, bảo đảm cho mục tiêu lâu dài hơn.

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.