Phép cư xử ở bàn tiệc trước hết thuộc về lễ nghi và phép lịch sự. Dưới đây là vài mách nước giúp bạn tự tin hơn khi đi dự tiệc và tránh rơi vào những tình huống khó xử trước mặt nhiều người.
Trước khi bạn bắt đầu tham dự một buổi tiệc:
|
* Ăn mặc phù hợp theo đề nghị (nếu có) và không nên làm nổi bật mình bằng cách thử “trật mốt” với chủ tiệc!
* Nhớ đúng giờ - đừng bao giờ trễ quá 10 phút.
* Theo đúng phép tắc, bạn nên hỏi ý kiến chủ nhà trước nếu muốn dắt thêm một người bạn. Nếu bạn là người chủ bữa tiệc, và khách mời của bạn đi cùng với một vị “khách không mời mà đến”, hãy lịch sự và nhã nhặn với họ, và đợi dịp khác để nói chuyện với người đó về việc này.
* Sẽ rất lịch thiệp nếu bạn mang theo một món quà nhỏ cho ông bà chủ nhà. Một bó hoa, hộp kẹo chocolate hay rượu sampanh luôn là những món quà phù hợp.
Những điều cần lưu ý bên bàn tiệc:
- Tư thế ngồi: Ngồi với tư thế ngay ngắn, thẳng lưng, thân mình cách bàn khoảng một gang tay. Chỉ cúi đầu nhưng không gập lưng, không gập người để ăn.
- Sau khi bạn đã ngồi vào chỗ, hãy lấy khăn ăn trên bàn, mở ra và đặt lên đùi. Không nên mở bằng cách giũ khăn. Đến cuối bữa hãy gấp đôi khăn ăn và để ở bên trái chỗ để dao nĩa. Không nên gấp khăn quá gọn gàng như chưa sử dụng hoặc cuộn tròn khăn lại, không bao giờ để khăn ăn của bạn trên ghế. Tuyệt đối không dùng khăn ăn để chùi dao nĩa, lau mặt hoặc chùi mũi. Có thể dùng khăn ăn để lau miệng nhưng hãy lau thật nhẹ nhàng bằng các góc của khăn.
- Đừng bao giờ ăn khi chưa nhận thấy tín hiệu bắt đầu của chủ nhà.
- Biết cách sử dụng dao nĩa cho từng món ăn. Để ăn thịt và các món khác cần phải cắt, hãy dùng nĩa theo cách của người Anh, tức là cầm dao ở tay phải để cắt thức ăn thành từng lát nhỏ và cầm nĩa ở tay trái để xiên thức ăn. Nếu là những món không cần cắt như cá, rau, trứng, đồ tráng miệng thì dùng nĩa theo cách của người Pháp, nĩa ở tay phải, dao ở tay trái để lấy thức ăn vào đĩa. Giữ cán dao và nĩa trong lòng bàn tay, ngón tay trỏ để trên, và ngón tay cái phía dưới. Tránh khua khoắng dao nĩa gây ra tiếng động trong khi ăn.
- Khi không sử dụng dao, bạn đặt dao lên thành đĩa, lưỡi dao quay vào phía trong. Khi ăn xong một món, hoặc không muốn ăn món đó nữa, hãy đặt dao và nĩa song song trong lòng đĩa, người phục vụ sẽ hiểu và dọn đĩa cho bạn.
- Nếu món ăn không phải là món bạn thích, thì hãy lịch sự thử dù chỉ là một ít. Nếu bạn cho rằng mình có thể nấu món đó ngon hơn thì cũng đừng bao giờ chê bai hay bình luận. Nếu bạn cảm thấy không thể đưa ra lời khen thì hãy giữ im lặng.
- Việc bạn để lại một ít thức ăn trên đĩa nếu cảm thấy đã ăn đủ là có thể chấp nhận được, nhớ là phần thức ăn thừa nên được đặt ở một bên đĩa. Mặt khác, đừng cố làm cho đĩa của bạn sạch trơn như thể bạn đã để dành bụng đi ăn tiệc vậy! Không nên dùng bánh mì để vét sạch nước sốt hoặc thức ăn còn trên đĩa.
- Hãy nhớ lau miệng trước khi uống rượu để tránh để lại vết thức ăn trên miệng ly.
- Không nên sử dụng muỗng nĩa riêng của mình để lấy thức ăn từ tô, đĩa chung.
- Việc gây ra tiếng động trong khi ăn như tiếng nhai nhóp nhép, húp xì xụp và ợ hơi bị coi là bất lịch sự.
- Không nên nói chuyện khi miệng đang đầy thức ăn. Nó không chỉ khiến bạn trở nên khó coi trong mắt người khác mà còn dễ gây mắc nghẹn.
- Đừng cố với tay khi bạn muốn lấy thức ăn, rượu hoặc đồ gia vị ở xa chỗ của mình. Hãy nhờ người khách ngồi gần chuyển nó cho bạn.
- Không nên dùng tăm trước mặt khách, liếm các ngón tay hoặc chùi tay vào bàn. Nếu cần thiết, bạn có thể xin phép ra ngoài và vào nhà vệ sinh để xỉa răng. Nếu tiệc có sử dụng chậu rửa tay ngay trên bàn ăn, bạn cũng không nên nhúng cả bàn tay vào chậu để cọ rửa mà chỉ nên nhẹ nhàng chùi sạch các đầu ngón tay.
- Không nên uống quá nhiều rượu vì rượu có thể gây cho bạn nhiều rắc rối. Nếu được phục vụ nhiều lần theo từng giai đoạn của bữa tiệc thì bạn không cần phải uống cạn rượu trong ly.
- Luôn luôn nhớ cảm ơn chủ nhà về sự hiếu khách của họ trước khi tạm biệt.
- Nên gửi thiệp hoặc lời nhắn cảm ơn riêng đến chủ nhà một hoặc hai ngày sau bữa tiệc. Đây là một phép xã giao rất lịch thiệp mà bạn cần ghi nhớ.
Nhật Lê (Dịch và sưu tầm)