.

100% cơ sở kinh doanh “cầy tơ” dùng thịt chưa kiểm dịch

.

(ĐNĐT) - Tuy dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm với phẩy khuẩn tả có nguy cơ bùng phát nhưng 100% cơ sở kinh doanh thịt cho ở Đà Nẵng đều dùng thịt không được kiểm dịch thú y trước khi giết mổ.

Ngày 6-6, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cho hay, qua kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại 44 cơ sở kinh doanh thịt chó trên địa bàn TP (đạt tỷ lệ 100% theo yêu cầu của Sở Y tế) nhằm phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, cơ quan này đã phát hiện cả 44/44 cơ sở đều không có kiểm dịch thú y.

Tất cả các quán thịt chó đều dùng thịt chưa kiểm dịch.

72,7% thịt chó kinh doanh tại các cơ sở này là do tự mua về giết mổ, số còn lại mua ở nơi khác về chế biến, kinh doanh; cá biệt có nhiều cơ sở không xác định được nguồn gốc xuất xứ của số chó mua về bán cho khách hàng.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng còn phát hiện, trong số 44 sơ sở kinh doanh thịt chó, chỉ có 10 cơ sở được cấp giấy chứng nhận kinh doanh, 23 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, 10 cơ sở sử dụng mắm tôm không rõ nguồn gốc… Đó là chưa kể còn có những mối nguy hiểm khác như chủ quán sử dụng chó bị đánh bả chết vài ngày, được phù phép thành những món dồi, mận, nướng, xáo măng, hấp... thơm phức, béo ngậy.

Bất chấp thực trạng nêu trên, các quán bán thịt chó có tiếng ở Đà Nẵng vẫn đang ung dung hoạt động, khách vào ra vẫn tấp nập. Anh Lê T. ở tổ 5 phường Tân Chính (quận Thanh Khê), một người rất “kết” món “cầy tơ” vẫn quả quyết khi bước vào quán Kiều Chinh trên đường Phạm Văn Đồng trưa 6-6: “Dịch bệnh ở đâu ngoài Bắc chứ Đà Nẵng mình chưa có ai mắc tiêu chảy cấp thì có gì mà sợ”.

Theo chỉ đạo của Sở Y tế Đà Nẵng, các cơ sở kinh doanh thịt chó vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến, đặc biệt là dụng cụ chế biến, môi trường không bảo đảm vệ sinh, nhân viên chưa được tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa có giấy chứng nhận sức khỏe… sẽ bị xử phạt theo quy định và đình chỉ hoạt động nếu vi phạm nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo các bác sĩ của Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, việc quy kết thịt chó là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp và tả là chưa hoàn toàn chính xác. Nhưng do món khoái khẩu này phải ăn kèm với các loại khác như mắm tôm, rau sống - những thực phẩm không thể nấu chín để tiệt trùng nên phẩy khuẩn tả có cơ hội thâm nhập vào cơ thể người gây bệnh nguy hiểm, có thể tử vong.

Thống kê chưa đầy đủ, trong 5 tháng đầu năm đã có 582 trường hợp xác định mắc tiêu chảy vào điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng. Theo các bác sĩ cho biết, nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp không chỉ do thịt chó mà còn liên quan đến việc sử dụng thực phẩm thông thường mua ở chợ như thịt lợn, gà, hải sản, rau sống hoặc nước uống, cơm bụi, thức ăn đường phố… bị nhiễm khuẩn. Chỉ sau khi nhập viện, bệnh nhân mới thừa nhận là không chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hằng ngày.

Cẩm An

;
.
.
.
.
.