Trước tình hình xuất hiện các bệnh nhân cúm A/H1N1 tại Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng và cần tham gia cùng ngành y tế phòng chống dịch bệnh, đề phòng dịch lây lan ra cộng đồng.
Cán bộ Bộ Y tế kiểm tra công tác sẵn sàng đối phó với dịch cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Đà Nẵng. |
Để phòng bệnh, trước hết mọi người cần tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang khi tiếp xúc người bệnh hô hấp cấp tính, giữ khoảng cách (1m), rửa tay bằng xà phòng, hạn chế tiếp xúc đông người và cách ly (7 ngày) đối với người đến từ vùng dịch. Ngoài ra, cần tổ chức vệ sinh môi trường, nhà ở, nơi làm việc... bằng xà phòng, nước Javel, chloramin B, cồn ethanol trên 70 độ.
Người dân khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng đã từng ở tại vùng có dịch thì chủ động cách ly, không đến nơi tụ tập đông người để phòng cho người khác không bị lây bệnh, thông báo ngay cho các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Khi có hiện tượng nhiều người bị cúm hoặc viêm phổi nặng, nghi ngờ cúm A/H1N1 thì thông báo theo đường dây nóng của các Sở Y tế trên địa bàn.
Tại Đà Nẵng, các thông tin về dịch bệnh có thể gọi tới số điện thoại 0511.3821.206 (trong giờ hành chính) và số điện thoại di động của Bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố: 0913.407.809 hoặc thông báo cho Cục Y tế dự phòng và Môi trường-Bộ Y tế theo số điện thoại đường dây nóng: 0989.671.115, email: baocaodich@gmail.com.
Theo các nhà khoa học, vi-rút cúm A/H1N1 khi ra khỏi cơ thể người sẽ chết sau 2 giờ; nếu nằm trong dịch tiết mũi, miệng thì có thể tồn tại 10 ngày. Do vậy, việc phòng chống cúm A/H1N1 bằng cách rửa tay, rửa mũi, đeo khẩu trang sạch là những biện pháp đơn giản, rẻ tiền nhưng hiệu quả cao. |
Tin và ảnh: DIỆU MINH