.

Bạn sẽ cai được rượu, nếu quyết tâm

.

Rượu giống như một con dao hai lưỡi, nếu sử dụng hợp lý thì có lợi, trái lại thì những tác hại do rượu mang lại là khôn lường. Việc uống quá chén sẽ mất kiểm soát hành vi, từ đó dễ đánh mất tư cách hoặc gây ra tai nạn cho bản thân và người khác.
 

Thường xuyên tập thể dục-thể thao rèn luyện sức khỏe sẽ khó có chỗ cho sự nghiện ngập xảy ra. (Ảnh minh họa)

Rượu có thể gây tác hại lên hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa… Nghiện rượu được xem như là một bệnh của cơ thể, giống như bao nhiêu bệnh khác. Nhưng có điều đáng lưu ý là, nghiện rượu lại do chính bản thân người dùng “tự nguyện” chuốc lấy vạ vào thân. Câu nói: “Nam vô tửu như kỳ vô phong” (Đàn ông không uống rượu như cờ không có gió) nghe thật là hay.
 
Cờ không có gió làm sao mà bay phất phơ được. Người đàn ông mà không biết uống rượu thì nhiều khi cũng… vô duyên thật. Nhưng nếu gió mà chuyển thành bão thì tai vạ biết nhường nào. Điều đó cũng giống như là khi uống rượu say vậy. Bạn đã nói rất đúng, cuộc sống và những mối quan hệ nhiều khi không có ly rượu (hay bia) thì không được, nhưng vấn đề là phải biết kiềm chế, biết làm chủ bia, rượu chứ đừng để xảy ra điều ngược lại.

Sau đây là một số dấu hiệu cho thấy một người đã bắt đầu nghiện rượu:

- Cảm giác thèm rượu. Trong đầu luôn nghĩ đến chữ “rượu” và tìm cách uống vài ly cho đỡ nhớ.

- Một mình vẫn có thể ngồi đánh chén tì tì mà không cần phải có bạn hiền mới có cảm hứng chạm cốc.
- Bị lệ thuộc vào rượu: Uống rượu vào thì thấy cảm giác hưng phấn, sảng khoái; không uống thì cảm thấy mệt mỏi, uể oải, bứt rứt, bực bội không muốn làm việc.

- Lên “đô”: Tức là uống ngày càng nhiều rượu. Mặc dù uống đã say rồi nhưng vẫn còn thấy… thích uống nữa.

- Giấu rượu ở một nơi nào đó và lén lút uống rượu một mình.

- Đã nhiều lần nghĩ và hứa rằng sẽ không uống nữa, nhưng rồi tất cả cũng chỉ là suy nghĩ và lời hứa suông mà thôi…

Việc “cai” rượu trước tiên đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân, một quyết tâm cao độ vượt qua chính sự cám dỗ của mình; bên cạnh đó là sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý, người thân và bạn bè. Một số thuốc dùng theo sự chỉ định của các nhà chuyên môn cũng góp phần vào quá trình “cai” rượu này.

Đề phòng nghiện ngập bằng cách tránh các môi trường lôi kéo, cám dỗ, tránh những người bạn nghiện và đừng có sĩ diện “vặt”. Việc thường xuyên tập thể dục - thể thao rèn luyện sức khỏe và một công ăn việc làm ổn định, chắc chắn sẽ khó có chỗ cho sự nghiện ngập xảy ra.

Bs MAI HỮU PHƯỚC

;
.
.
.
.
.