.

Bệnh tiêu chảy cấp

.

Mặc dù được đánh giá là địa phương triển khai tích cực công tác phòng, chống dịch bệnh, nhưng xem ra Đà Nẵng vẫn là nơi rất dễ xuất hiện tiêu chảy cấp, vì đây không chỉ là đầu mối giao thông của cả nước mà còn là sự chủ quan, thờ ơ với dịch bệnh của người dân.

Nhiều con đường dẫn đến tiêu chảy

Nhếch nhác, mất vệ sinh là đặc trưng của loại hình thức ăn đường phố hiện nay.

Mặc cho những cảnh báo về sự lây lan dịch bệnh tiêu chảy cấp xuất phát từ thịt chó, tại các quán bán thịt chó có tiếng ở Đà Nẵng vẫn ung dung hoạt động, khách vào ra vẫn tấp nập. Anh L., một người rất “kết” món cầy tơ này quả quyết: “Dịch bệnh ở đâu ngoài Bắc chứ Đà Nẵng mình chưa có ai mắc tiêu chảy cấp thì có gì mà sợ”.

Cái kiểu “chưa thấy bệnh viện chưa sợ” của anh L. đang là tâm lý chung của nhiều người, kể cả những ai ghiền món khoái khẩu “cầy tơ” đang được xem là trung tâm lây truyền bệnh tiêu chảy cấp. Đó là chưa kể thịt chó còn có những nguy hiểm khác như chủ quán sử dụng cả chó bị đánh bả chết vài ngày, được phù phép thành những món dồi, mận, nướng, xáo măng, hấp... thơm phức, béo ngậy. 

Thực trạng là như vậy, nhưng cho đến nay chưa thấy cơ quan chức năng nào đến kiểm tra xem ở các quán thịt chó đó có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hay không, chó lấy về bán có nguồn gốc từ đâu…

Tuy nhiên, quy kết thịt chó là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp và tả là chưa hoàn toàn chính xác, song do món khoái khẩu này phải ăn kèm với các loại khác như mắm tôm, rau sống - những loại thực phẩm không thể nấu chín để tiệt trùng, vì vậy, phẩy khuẩn tả có cơ hội thâm nhập vào cơ thể người gây bệnh nguy hiểm, có thể tử vong.

Thống kê chưa đầy đủ, trong 5 tháng đầu năm, có 582 trường hợp xác định mắc tiêu chảy vào điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Theo các bác sĩ cho biết, nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp không chỉ do thịt chó mà còn liên quan đến việc sử dụng thực phẩm thông thường mua ở chợ như thịt lợn, gà, hải sản, rau sống hoặc nước uống, cơm bụi, thức ăn đường phố… bị nhiễm khuẩn. Chỉ sau khi nhập viện, bệnh nhân mới thừa nhận là không chú ý đến những nguyên tắc về vệ sinh an toàn thực phẩm hằng ngày.

Thay đổi thói quen tiêu dùng, ăn uống

Thịt chó, mắm tôm, rau sống chứa phẩy khuẩn tả gây ra bệnh tiêu chảy cấp ở các tỉnh phía Bắc trong thời gian qua.

Trong “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2009”, các lực lượng chức năng phát hiện rất nhiều vi phạm; đơn cử như bếp ăn tập thể, có hơn 40% trong tổng số 110 bếp ăn qua kiểm tra phát hiện vi phạm. Đáng nói là không ít trong số đó là các bếp ăn trong khu công nghiệp, trường học, mỗi bếp phục vụ hàng trăm suất ăn cho công nhân và học sinh. Thạc sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng lo lắng: “Nếu người dân không chịu thay đổi thói quen trong ăn uống, nhất là bảo đảm “thực phẩm sạch” thì khó bảo đảm không xảy ra dịch bệnh”.

Vấn đề cốt lõi để Đà Nẵng an toàn trong thời điểm dịch bệnh bùng phát là cần phải thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm của người dân. Để làm được điều này, công tác tuyên truyền là rất cần thiết. Bên cạnh các siêu thị lớn như Metro, Big-C, Intimex... cung cấp thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ, được người dân tin dùng thì còn nhiều loại thực phẩm tươi sống, đóng gói tại gần 70 chợ lớn nhỏ chất lượng chưa được bảo đảm.

Tình trạng thực phẩm chui, nhập lậu; rau, củ, quả nhiễm khuẩn, dư lượng thuốc trừ sâu cao hằng ngày vẫn được tuồn về các chợ. Chỉ bằng trực quan cũng đã thấy thói quen ăn uống  của người dân dễ dãi, ít quan tâm đến chất lượng thực phẩm. Cứ đến tầm tan ca trưa và chiều, hầu hết các quán ăn, nhà hàng hầu như kín chỗ.

Có thể điều kiện vệ sinh, nguồn gốc thực phẩm tại những tụ điểm này đã được kiểm nghiệm kỹ càng, song với lượng thực khách quá đông, yếu tố mất vệ sinh dễ bị tác động từ bên ngoài do chính khách mang đến là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt, ở các quán nhậu bình dân, yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm càng không được thực khách quan tâm,  không mấy ai nghĩ tới chuyện lây truyền dịch bệnh. Ở các bếp ăn gia đình, thói quen lựa chọn nguồn thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, an toàn và bảo đảm chất lượng cũng chưa được mọi người chú ý…

Đã đến lúc, các ngành liên quan, mọi gia đình và mọi người hãy thay đổi thái độ đối với vấn đề thực phẩm an toàn, thay đổi thói quen tiêu dùng, ăn uống để bảo đảm sức khỏe cho mỗi người, an toàn vệ sinh thực phẩm cho toàn xã hội. Các ngành chức năng nghiêm túc hơn trong việc xử lý các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm của các cá nhân, đơn vị. Đối với các bệnh tiêu chảy, tả, công tác giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm cần được thực hiện nghiêm túc nhằm xử lý kịp thời, chống lây lan thành dịch trong cộng đồng dân cư.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.