.

Cẩn thận với nước giải khát mùa hè

.

(ĐNĐT) - Trong cái nắng gay gắt của những ngày hè, người dân Đà Nẵng đổ xô đến các quán nước ven bờ sông Hàn, ven biển, dọc các tuyến đường có cây xanh để tránh nóng và giải khát. Tuy nhiên, rất ít người quan tâm đến xuất xứ và chất lượng của những loại nước mình đang uống, cũng như tác hại của chúng đối với sức khỏe. Thậm chí, nhiều người còn quan niệm “uống vào rồi lại cho ra, có gì đâu mà độc với chả hại”.

Bột trà sữa không rõ nguồn gốc

Sau khi vui chơi, các em nhỏ thường mua nước ở các xe di động.
Mùa hè năm nay, trà sữa trân châu trở thành thức uống “ruột” của đông đảo giới trẻ. Các quán trà sữa đang thi nhau mọc lên, từ xe nước di động đến các quầy bình dân và cao cấp.

Trong một quán trà sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh, có hai bạn trẻ tự nhận mình là “con nghiện” trà sữa, mỗi ngày đều phải uống một cốc, nhưng khi được hỏi về thành phần, cách thức chế biến món giải khát này thì cả hai đều rất “lơ tơ mơ”, đành đưa ra một đáp án như bao người: “trà sữa = trà + sữa”(?).

Theo một chuyên gia trong ngành giải khát, trà trân châu vốn là một thức uống bổ dưỡng của người Đài Loan, chế biến từ lá trà trộn với các hạt trân châu làm từ bột sắn. Tuy nhiên, khi du nhập vào Việt Nam, món trà sữa đã bị biến tấu dưới rất nhiều dạng. Trong các chợ và quán nước vỉa hè, trà sữa được bán với giá khá bình dân, từ 3 – 5 nghìn đồng/ly. Được quảng cáo là bỗ dưỡng, giá thành rẻ, màu sắc và mùi vị lại rất bắt mắt, trà sữa trân châu đang cực kỳ hút khách.

Tại một quán nước trên đường Lê Đình Dương, chị chủ quán hớn hở cho biết: “Trước đây mình bán nước ép trái cây, nhưng hai tháng nay chuyển sang bán trà sữa vì loại này nguyên liệu dễ mua, dễ chế biến, mà người lớn, trẻ nhỏ gì cũng thích uống”. Chị cũng bật mí thêm “bột làm trà sữa rất rẻ, được bán khắp các chợ, họ không bày ra nhưng cứ hỏi là sẽ có”.

Dạo một vòng quanh các chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như chợ Cồn, chợ Hàn..., chúng tôi dễ dàng hỏi mua các loại bột để chế biến trà sữa với đủ màu sắc, mùi vị. Các nguyên liệu này được đóng gói theo kilogram, với giá trung bình từ 30.000 - 45.000 đồng/kg. Điểm nổi bật là tất cả hầu như không nhãn mác, không hạn sử dụng, không nơi sản xuất và không ghi thành phần có trong bột sữa, chỉ có những dòng chữ ngoằn nghèo mà theo chủ sạp là “chữ Đài Loan chứ không không phải Trung Quốc đâu nghe”. Trân châu bán ở các chợ cũng rất đa dạng về màu sắc và chủng loại , với giá 10-15.000 đồng/kg.

Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề thời hạn sử dụng, chủ quầy khẳng định chắc nịch: “Tụi em yên tâm, loại bột này dùng được cả năm, khi nào hư thì chúng sẽ chảy nước, nhìn là biết liền”. Vậy người tiêu dùng liệu có biết được lúc nào bột hư khi mà sản phẩm luôn ở dạng một cốc nước ngọt lịm, mát lạnh?

Chị Ngọc Thanh (đường Hoàng Văn Thụ), vốn là một khách hàng thường xuyên của các quán trà sữa trân châu, bộc bạch: “Từ ngày phát hiện melamine trong sữa của Trung Quốc, tôi thấy hơi lo và hạn chế uống trà sữa vì nguyên liệu của nó phần lớn nhập từ Trung Quốc. Nhưng sao tới nay chưa thấy các cơ quan chức năng có cảnh báo gì về nguyên liệu này?”

Rẻ, ngon và... độc hại

Mỗi ngày, các thùng nước này được bỏ mối khắp chợ. Ai đảm bảo các bịch nước như thế này vệ sinh?
Không chỉ với thanh niên, trẻ nhỏ, đa số người lao động ngoài trời hoặc buôn bán tại các chợ cũng uống rất nhiều loại nước giải khát trong một ngày. Vì uống thường xuyên nên lựa chọn đầu tiên sẽ phải là rẻ và ngon. Chính vì vậy, các loại nước uống như nước sâm, nước hoa quả, nước yến giá rẻ luôn hút khách, nhưng thực chất chúng được pha chế từ các hóa chất không rõ nguồn gốc, gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe.

Trong một tiệm làm tóc ở chợ Đ, chị chủ quán vừa gội đầu cắt tóc cho khách, vừa đon đả quảng cáo: “Tụi em uống nước trái cây không chị gọi, cà rốt, cà chua, xoài, bơ gì cũng có, ngon lắm, giá 3.000 đồng một ly thôi”. Những ly nước được mang đến hầu như chỉ có một màu và mùi na ná nhau, uống thấy loãng và hơi ngọt ngọt, tuyệt nhiên không thấy vị trái cây đâu.

Chị T.Na, một người chuyên bỏ mối nước sâm, trái cây ở chợ Cồn, cho biết, vào mùa hè, một ngày chị bỏ được khoảng 150-200 bịch nước các loại với giá 2.000 đồng/bịch. Nhiều chủ sạp còn đặt cả tháng, thu tiền luôn một lần. Khi chúng tôi hỏi về thành phần chính của các loại nước này, chị bảo: “Rẻ vậy mà tụi em còn đòi hỏi này nọ, uống vào không đau bụng là được”.

Vào hè, những xe nước di động cũng mọc lên khắp phố, điểm dừng chân chủ yếu của chúng là trước các trường học, bệnh viên, công viên… Những thùng nước với đủ các tên gọi bắt mắt như sirô dâu, sirô bạc hà, trà chanh, hồng đào, hồng sâm…Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết người bán chỉ cần bỏ ra từ 40.000 – 60.000 đồng là có thể pha chế cả chục thùng nước các loại, nếu không tiêu thụ hết thì để hôm sau bán tiếp, màu sắc và mùi vị vẫn còn nguyên.

Một bác sĩ của khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết: “Ngộ độc thực phẩm, nước uống thường biểu hiện dưới hai dạng là ngộ độc cấp tính và ngộ độc mãn tính. Ngộ độc cấp tính biểu hiện ra ngay với các triệu chứng như nhức đầu, buồn nôn, tiêu chảy, chủ yếu là do ngộ độc thực phẩm. Còn ngộ độc mãn tính thường chưa biểu hiện ngay mà gây ra những tác hại lâu dài như ung thư, đột biến gien, vô sinh, xơ gan, thận hư... Các tác hại do nước uống không rõ nguồn gốc gây ra thường ở dạng này nên người dân không ý thức hết được mức độ nguy hiểm của chúng”.

Trong năm 2008, cả nước xảy ra 205 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 5.000 người phải vào viện cấp cứu, trong đó thành phố Đà Nẵng đã có 17 vụ với 332 người. Đây là một con số đáng cảnh báo, tuy nhiên vì lợi nhuận, nhiều người vẫn pha chế phụ gia một cách tùy tiện vào đồ ăn, thức uống để bán.

Bác sĩ này cũng nói thêm: “Nhiều loại nước giải khát độc hại nhưng số lượng tiêu thụ hàng ngày vẫn là con số khổng lồ. Đứng trước lợi nhuận quá lớn, rất ít người buôn bán có thể cưỡng lại. Điều quan trọng là người tiêu dùng cần có trách nhiệm hơn với chính sức khỏe của mình”.

NGÔ ĐỒNG

;
.
.
.
.
.