.

Cảnh giác dịch bệnh khi đi du lịch

.

Đi du lịch không chỉ vui chơi, thăm thú danh lam thắng cảnh mà còn thưởng thức đặc sản của mỗi vùng, miền. Tuy nhiên,  khi đi du lịch, du khách nên đề phòng lây nhiễm bệnh từ những nơi mình đến thông qua đường ăn, uống, vui chơi giải trí, trong đó có cả môn bơi lội...           

Mầm bệnh từ thức ăn

Du khách nên chọn mua thực phẩm an toàn khi làm quà biếu sau những chuyến du lịch.

Mới đầu hè, vợ chồng anh bạn tôi quyết định đi một chuyến du lịch nội địa dài ngày. Thế nhưng, đến chặng dừng đầu tiên tại tỉnh Phú Yên, hai người đã phải bỏ dở chuyến đi, coi như đi tong hai tuần nghỉ phép. Sự cố xảy ra sau khi anh chị tham dự buổi tiệc chiêu đãi món cá ngừ đại dương chấm mù tạt, một đặc sản của Phú Yên.

Sau khi ăn chừng nửa tiếng đồng hồ, cả hai vợ chồng nôn thốc nôn tháo, phải nhờ nhân viên khách sạn gọi xe cấp cứu đến bệnh viện. Các bác sĩ cho biết hai người này đã bị ngộ độc thức ăn, mà nguyên nhân chính là do ăn món cá ngừ sống. Bụng đau ê ẩm, sau gần 24 giờ nằm viện, phải ăn cháo muối, hai vợ chồng quyết định hủy chuyến du lịch, lập tức quay về Đà Nẵng.

Có một thực tế là, khi đến địa phương nào thì ở đó đều có món đặc sản mà phần nhiều trong số món đó lại là gỏi cá sống, thịt sống. Oái oăm thay, những thứ gỏi sống này giới y khoa cảnh báo rằng, đây là thực phẩm không an toàn, hay gây dị ứng, là nơi trú ngụ của dịch bệnh, nhất là bệnh đường tiêu hóa. Có thể kể đến các bệnh như sán lá gan nhỏ, tiêu chảy, mẩn ngứa… đều xuất phát từ cá làm gỏi hoặc nhúng dấm.

Các bậc cha mẹ cũng cần chú ý đến trẻ khi đi du lịch, trong đó điều lưu tâm đầu tiên là thức ăn phải bảo đảm an toàn. Trong trường hợp trẻ không được bú mẹ hoàn toàn thì các loại sữa trẻ đã dùng trước đây phải được chuẩn bị sẵn. Nên mang theo một ít thuốc đau bụng và trị cảm cúm nếu đi những chuyến du lịch dài ngày là điều rất cần thiết cho du khách.

Nguy cơ mắc bệnh khi bơi lội

Mùa hè là thời điểm thích hợp nhất cho những chuyến du lịch biển. Chỉ tính riêng hai bãi biển du lịch lớn của thành phố Đà Nẵng là Mỹ Khê và Phạm Văn Đồng, mỗi ngày có khoảng 10 nghìn người đi tắm biển. Tắm biển mùa hè, tốt nhất là vào buổi sáng hoặc chiều tối, không nên tắm vào buổi trưa hoặc khi trời còn nắng nóng, dễ bị cảm nắng và bị các loại nhiễm khuẩn da, tai, mắt, đường hô hấp, thần kinh...


Trong khi tắm, mọi người nên chú ý không để uống phải nước biển, bởi từ trong nước biển có thể gây nên một số bệnh. Đối với tắm hồ nước ngọt đã được xử lý bằng hóa chất chlorine, mọi người cũng cần chú ý, vì một số loài vi sinh vật gây bệnh như giardia, cryptosporidium, viêm gan A hay norovirus lại có tính kháng rất cao với hóa chất.

Ở những hồ, đầm nước... có nhiều súc vật qua lại, du khách lưu ý không nên tắm, bơi lội khi trên người có những vết xước da, vì một số tác nhân gây bệnh có trong nguồn nước đã bị ô nhiễm có thể xâm nhập qua da vào cơ thể và gây bệnh như xoắn khuẩn leptospira có trong nguồn nước bởi nước tiểu của súc vật.

Khi đi du lịch vào mùa hè, mọi người thường sử dụng nước đá, trong lúc, nhiều điểm du lịch thường không chú trọng chất lượng nguồn nước đá. Do vậy, nước đá cũng là mối quan tâm cho những người đi du lịch.

Bài và ảnh: DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.