Chảy máu cam (chảy máu mũi) đứng hàng đầu về tần số xuất hiện trong các triệu chứng chảy máu tự phát ở đường hô hấp. Thông thường, khi bị chảy máu cam, máu được cầm ngay. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chảy máu cam có thể lặp đi lặp lại trong nhiều ngày, gây nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh.
|
Khi bị chảy máu cam, cần nhanh chóng xử lý như sau: Người bị chảy máu cam nên ngồi xuống ghế thấp, đầu hơi cúi nhẹ về phía trước, nới lỏng quần áo, nhất là phần cổ để giúp dễ thở. Dùng tay ép phần mũi bị tổn thương 5 - 10 phút, người bị chảy máu cam cần bình tĩnh, tránh hoảng hốt, tuyệt đối không nuốt máu (để tránh chướng bụng và những chất độc do máu phân hủy thành). Bôi kem, vaselin hoặc sử dụng các loại thuốc xịt vào bên trong mũi không phải là giải pháp tốt vì không giúp phục hồi độ ẩm của niêm mạc. Trong trường hợp máu chảy dai dẳng thì cần phải nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để xử trí.
Đối với trẻ nhỏ khi bị chảy máu cam, cần cho trẻ nằm nghỉ, đầu nghiêng qua một bên để tránh máu sặc vào đường thở. Dùng tay ép nhẹ cánh mũi để cầm máu, đồng thời dỗ dành, an ủi và động viên, giúp trẻ bình tỉnh và bảo trẻ khạc nhổ máu ra ngoài.
Đặc biệt ở trẻ nhỏ khi bị chảy máu cam kèm sốt cao đột ngột, chảy máu liên tục có lẫn mủ, chảy nhiều hoặc tái phát kéo dài 1-2 tuần..., đó có thể là biểu hiện của một bệnh nguy hiểm như u xơ mũi hầu. Bệnh này phần lớn thường gặp là trẻ nam từ 6-15 tuổi. Khi thấy trẻ có triệu chứng như trên thì cha mẹ nên đưa trẻ đến chuyên khoa tai-mũi-họng để khám và điều trị.
Bs BÍCH NGỌC