Vì sao các chuyên gia y tế khuyên mọi người hãy đi khám sức khỏe 6 tháng một lần? Rất đơn giản, câu trả lời là để sớm phát hiện các căn bệnh (nếu có) và chữa trị chúng ngay từ đầu. Như thế, chi phí và thời gian chữa bệnh sẽ ít hẳn đi, và điều quan trọng là nguy cơ suy kiệt sức khỏe, thậm chí tổn hại đến tính mạng, cũng sẽ giảm thiểu đến mức tối đa.
Khoảng cách giữa “phòng” và “chữa”
|
Trên địa bàn quận Thanh Khê có nhà ga, sân bay, quốc lộ 1A, trước đây còn có cả bến xe, nguy cơ lây nhiễm các mầm bệnh rất cao. Bác sĩ Trương Thị Phi Nga, Đội trưởng Đội YTDP quận giả định có dịch xảy ra trên địa bàn có hơn 170 nghìn dân này thì việc gì sẽ xảy ra? “Cả đội có 2 bác sĩ với 9 y sĩ (trong đó có một trung cấp dược) thì nội cái việc chỉ huy đã không đủ, lấy đâu ra quân mà phòng, mà phong tỏa, khống chế dịch tại cộng đồng?! – Bác sĩ Nga than vãn. Trong khi đó, ở tuyến bệnh viện, nếu dịch xảy ra ồ ạt thì vẫn đủ điều kiện phục vụ bệnh nhân”.
Một trong những tác nhân dễ tạo nguồn dịch bệnh là các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng ẩm thực, nếu quản lý không kỹ về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Thời gian qua, theo cách nói của bác sĩ Nga thì “quán mọc nhanh hơn người”, các đội YTDP xin người mãi mà chẳng được nên không thể thường xuyên tiến hành kiểm tra, nhắc nhở cơ sở, chỉ có nơi nào vi phạm thì mới cử người tới xử lý.
Quận Hải Châu có gần 1.700 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh hàng ăn uống, không tính số do thành phố quản lý. Bác sĩ Trần Minh Hồi, Đội phó Đội YTDP quận cho biết, nếu triển khai thực hiện kế hoạch mỗi năm ít nhất kiểm tra mỗi cơ sở một lần thì mỗi ngày phải kiểm tra 7 cơ sở! Hoàn toàn bất khả thi với đội ngũ nhân sự của đội hiện nay với sự phối hợp của trạm y tế 13 phường trên địa bàn.
Nhân sự ở hầu hết các đội YTDP ở Đà Nẵng đều “già”, ở Thanh Khê là trên 45 tuổi. Theo bác sĩ Nga, có 3 lý do để người trẻ không về: cơ chế ưu đãi cho ngành YTDP chưa có, ai cũng ngại làm việc ở các khoa lây nhiễm, công tác ở YTDP không phát huy được chuyên môn khám chữa bệnh. Các đội đã neo người mà trình độ nhân viên còn thấp. Chương trình sau đại học chỉ đầu tư vào các khoa chính như nội, ngoại, sản, nhi, riêng y tế cộng đồng thì tại Đà Nẵng chưa mở lớp sau đại học, muốn học phải ra Huế hoặc Hà Nội.
Thiết nghĩ, nếu Bộ Y tế xác định “phòng” hơn “chữa” thì nên nghiên cứu lại cơ chế đối với ngành YTDP, vì phòng không có hiệu quả thì chữa trị sẽ tốn kém vô cùng. Một đồng sợ tốn, bốn đồng không đủ.
Tiếng nói chung từ nhiều phía
Kiểm tra, lấy mẫu thức ăn đem về xét nghiệm do không định tính được tại chỗ. |
Vấn đề nảy sinh từ đây. Người dân sau khi được Phòng Tài chính-Kế hoạch quận cấp Giấy phép kinh doanh là về tiến hành kinh doanh ngay. Nhưng để đi vào hoạt động chính thức thì tiếp theo đó phải được ngành y tế thẩm định để cấp giấy Chứng nhận đủ điều kiện VSATTP theo Quyết định 11 của Bộ Y tế. “Trong trường hợp không đạt (như bếp gần hố tiêu, nhà tiểu, cống rãnh) chúng tôi không cho làm – bác sĩ Nga đưa ví dụ. Vậy là bất cập, bên thì ký giấy cho kinh doanh, bên thì đình chỉ. Về quản lý Nhà nước, thì việc cho kinh doanh và chứng nhận đủ điều kiện về VSATTP phải được tiến hành cùng một lúc để tránh phiền hà cho dân. Ngành y tế chưa có một tiếng nói quyền lực gì trong việc này mà hậu quả (dịch bệnh xảy ra) thì ngành y tế hứng chịu”.
Trước đây có xảy ra một vụ ngộ độc gần 60 người do ăn mì Quảng với chao ở phường Hòa Cường (cũ). Bác sĩ Hồi trực tiếp điều tra, tìm đến bà T. bán chao ở phường Hòa Thuận (cũ). Chồng chết, con đông, thuộc diện hộ nghèo, bà làm chao bán ngày rằm và mồng một, nhưng phương tiện sản xuất quá tạm bợ, đem mẫu chao về thì đúng là có nấm độc.
Cần một sự hợp tác thực sự giữa chủ kinh doanh và người làm công tác YTDP để thực hiện “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. (Ảnh minh họa) |
Vì lợi ích cá nhân trước mắt, không ít người dân đã chửi sa sả vào mặt những người làm công tác YTDP khi bị kiểm tra VSATTP về những đồ ăn thức uống nghi có hại cho sức khỏe cộng đồng, dễ lây lan thành dịch. Nói như bác sĩ Hồi, nhân viên YTDP phải “vừa cứng vừa mềm, có lý có tình, kiểm tra không phải để phạt mà thuyết phục người dân hiểu ra vấn đề, thực hiện văn hóa ẩm thực thì chính người bán hàng được hưởng lợi trước tiên”.
Cần có một tiếng nói chung của toàn xã hội, nhận thức của người dân là quan trọng nhưng chủ trương của Nhà nước là then chốt để có thể “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
VĂN THÀNH LÊ