.

Tập trung mọi nỗ lực ngăn chặn dịch cúm A/H1N1

.

Chiều ngày 16-6, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch cúm A/H1N1 thành phố Đà Nẵng chủ trì cuộc họp BCĐ mở rộng nhằm bàn các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn dịch cúm A/H1N1 trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh chỉ đạo các đơn vị cần quyết tâm ngăn chặn không để cúm A/H1N1 vào thành phố.

Theo báo cáo của ngành Y tế, kể từ khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên tại Việt Nam ngày 31-5, đến ngày 16-6, cả nước đã phát hiện 26 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 tại 4 địa phương là thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang và Hà Nội.

Trong đó có 4 trường hợp lây nhiễm chéo từ trong nước. Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh khi phát hiện đã được cách ly theo dõi và điều trị kịp thời nên đã không xảy ra tử vong. Hiện có 14 trường hợp lành bệnh và đã xuất viện. Tại Đà Nẵng, mặc dù chưa có trường hợp nhiễm cúm, nhưng theo nhận định của ngành Y tế, khả năng lây lan dịch bệnh rất cao vì thành phố có các cửa khẩu đường không, cảng biển và đầu mối giao thông đường bộ có số lượng người ra vào khá lớn.

Thời gian qua, công tác giám sát, triển khai các biện pháp dự phòng ngăn chặn dịch bệnh thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã tổ chức đo thân nhiệt cho 579 hành khách đi bằng đường không, 1.373 người đi bằng đường thủy từ những nước có dịch. Tại Bệnh viện Đà Nẵng, từ tháng 5 đến nay đã tổ chức tiếp nhận và cách ly 5 trường hợp đi từ vùng dịch và có tiếp xúc với người mắc cúm A/H1N1, qua xét nghiệm tất cả đều cho kết quả âm tính.

Các trường hợp hành khách đi trên các chuyến bay có người nhiễm cúm A/H1N1 về đến Đà Nẵng được phát hiện và theo dõi sức khỏe kịp thời. Ngành Y tế đã xây dựng và hoàn thiện các phương án dự phòng từ chưa có bệnh nhân đến giai đoạn xuất hiện từ 50 đến trên 80 bệnh nhân cúm A/H1N1. Công tác diễn tập phương án giám sát, cách ly, thu dung bệnh nhân trong cộng đồng được thực hiện nhằm chủ động với trường hợp xuất hiện bệnh nhân cúm /H1N1.

Tuy vậy, theo ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế thành phố, ngành Y tế còn thiếu nhiều trang thiết bị để phục vụ công tác chống dịch, giám sát người nghi mắc; nhất là kinh phí phục vụ công tác thuê phương tiện giám sát tại phao số 0 và hỗ trợ cán bộ y tế trực chống dịch 24/24 giờ.   
 
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch Trần Văn Minh nhấn mạnh, công tác phòng, chống dịch bệnh tại thành phố hiện nay là hết sức cấp bách và khẩn trương. Do vậy, đề nghị ngành Y tế và các đơn vị phối hợp không được chủ quan, lơ là, đề cao cảnh giác phòng bệnh và ngăn ngừa ngay từ đầu, nhất là trong thời điểm lượng du học sinh đi từ các nước có nhiều bệnh nhân cúm A/H1N1 trở về Việt Nam nghỉ hè.

Thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng ngừa do Bộ Y tế khuyến cáo nhằm phòng tránh nguy cơ mắc và lây lan bệnh trong cộng đồng.

Tăng cường công tác giám sát tại các cửa khẩu. Trước những khó khăn của ngành Y tế, UBND thành phố đồng ý hỗ trợ kinh phí trực phòng, chống dịch 24/24 giờ theo quy định; hỗ trợ kinh phí xét nghiệm bệnh phẩm và thuê tàu giám sát ngoài biển; hỗ trợ mua 10 máy đo thân nhiệt cầm tay, 1 máy thở và hai máy Syringe điện để phục vụ công tác cấp cứu, điều trị cho người mắc cúm A/H1N1 trên địa bàn thành phố. “Tất cả phải quyết tâm ngăn ngừa, không để dịch cúm A/H1N1 xuất hiện, lây lan trên địa bàn thành phố”, Chủ tịch Trần Văn Minh nhấn mạnh.

Tin và ảnh: Việt Dũng

 

;
.
.
.
.
.