.

Thận trọng với thức ăn đường phố!

.

Việc phát triển các loại hình thức ăn đường phố là một nhu cầu tất yếu của xã hội, không thể phủ nhận ưu điểm của thức ăn đường phố: tiện lợi, hợp túi tiền và tiết kiệm được thời gian chế biến. Tuy nhiên, quan sát các quán ăn đường phố, từ cung cách phục vụ, phương tiện chế biến đến cách bày biện thức ăn… nhiều người không khỏi lo ngại khi sử dụng.
 

Quán cơm bình dân ở đầu kiệt 382 Hùng Vương được bày bán ngay trên đường cống, thức ăn để tênh hênh, không được che đậy cẩn thận... liệu có bảo đảm được VSATTP?

Song hành cùng sự thuận tiện này là những mối nguy tới sức khỏe, tính mạng người sử dụng, thậm chí là tới cả cộng đồng, nhất là trong thời điểm thời tiết chuyển dần sang hè, sự tái xuất hiện của bệnh tả sẽ có nhiều cơ hội phát tán nếu người dân không có ý thức phòng bệnh hiệu quả.

Đi trên một số tuyến đường ở thành phố, nhiều người thực sự lo ngại. Tại nhiều quán ăn vỉa hè, các loại đồ ăn để tênh hênh không che đậy suốt cả ngày, ánh nắng chiếu trực tiếp vào, còn bụi bặm kèm theo các loại vi khuẩn gây bệnh từ đường sá bám vô là không thể tránh khỏi; các loại đồ ăn chế biến sẵn được các xe đẩy hàng rong đưa đi khắp hang cùng ngõ hẻm, bến tàu xe, nơi công cộng, hứng đủ thứ bụi bẩn của phố thị. Những loại bánh trái, đồ ăn uống không nguồn gốc này hết sức nguy hiểm đối với người tiêu dùng.

Được biết, người đến ăn tại những quán ăn đường phố chủ yếu là dân lao động, sinh viên... Với họ ăn cho no là tiêu chí số một, do đó vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trở thành thứ yếu. Chúng tôi còn gặp rất nhiều kiểu phục vụ ăn uống tới tận tay “thượng đế”, chỉ cần đỗ xe ngay bên đường là người ta có thể mua được đồ ăn cho cả gia đình, từ canh rau, cá kho, nem rán, thịt nướng đến các đồ ăn sáng như xôi, bánh bao, bánh mì patê…

Việc tồn tại kiểu phục vụ “thức ăn đường phố” có thể coi như lẽ đương nhiên, nhất là trong điều kiện hiện nay khi một bộ phận không nhỏ người lao động còn đang bận rộn kiếm sống, thời gian ít, do đó sự xuất hiện của thức ăn đường phố đã đáp ứng được nhiều yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của loại hình phục vụ này cũng đặt ra những vấn đề cần giải quyết, đó là tình trạng không bảo đảm VSATTP, nhiều khi ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
 
Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu kiểm tra điều kiện VSATTP, nhất là vệ sinh ngoại cảnh thì những quán ăn trên có đạt yêu cầu? Có bao nhiêu chủ quán và người phục vụ thực hiện khám sức khỏe định kỳ? Thực phẩm đưa vào chế biến có kiểm soát được nguồn gốc?...

Theo phân cấp quản lý, thức ăn đường phố thuộc đối tượng quản lý của chính quyền cấp xã, phường, nhưng qua quan sát của chúng tôi thì thức ăn đường phố đang bị thả nổi. Các đoàn thanh tra liên ngành dường như không thể với tới thức ăn đường phố, còn chính quyền cơ sở lại coi đó là việc của các ngành chức năng.

Trong khi chờ những thay đổi từ việc quản lý loại hình thức ăn đường phố, người tiêu dùng cần thận trọng hơn khi sử dụng những loại thức ăn này. Không nên ăn những thức ăn chế biến sẵn mà không có bao gói, dụng cụ bảo quản cẩn thận. Không ăn ở những nơi điều kiện vệ sinh kém, nhất là những quán hàng rong, quán chợ, vỉa hè. Nếu người tiêu dùng tẩy chay, không chấp nhận, chắc chắn người kinh doanh sẽ phải tự thay đổi cách phục vụ, đầu tư cho việc nâng cấp cơ sở vật chất và chấp hành các quy định về VSATTP.

Quốc Tín

;
.
.
.
.
.