.
THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ KHU VỰC BỆNH VIỆN, BẾN XE

Nhếch nhác, bẩn thỉu

.

Lâu nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn được xã hội quan tâm, đặc biệt là thức ăn bán tại vỉa hè, đường phố (gọi là thức ăn đường phố-TAĐP). Thế nhưng, không mấy ai chú ý đến chất lượng TAĐP ở những quán cơm, giải khát quanh khu vực các bệnh viện, bến xe. 

Những quán nhếch nhác này trước cổng Bệnh viện Đà Nẵng đã cung cấp đồ ăn uống cho nhiều người.

Trước cổng các bệnh viện như Bệnh viện Đà Nẵng, Hoàn Mỹ, Hải Châu, Bình Dân…, không khó để tìm mua cơm, cháo, mì, phở từ các hàng quán nhỏ cố định đến những quán di động. Theo quan sát của chúng tôi, ngay từ sáng sớm, tại các hàng quán này đã tấp nập người mua, kẻ bán. Buổi trưa và tối, khách vào ra càng đông hơn.

Chúng tôi ghé xe vào một quán nhỏ bên đường Quang Trung để mua một hộp cơm. Nhìn vào tủ để thức ăn, chúng tôi thấy thức ăn không được che đậy, ruồi bu đậu. Dưới nền, giấy lau, thức ăn thừa vứt tứ tung. Phía sau quán có hai thau nước rửa chén màu đã đục ngầu. Chủ quán không mấy quan tâm đến vấn đề VSATTP vì khi chúng tôi hỏi điều này, chị chỉ cười trừ: Bán buôn nhỏ như chúng tôi thì cần gì. Vả lại, lúc nào cũng có khách, chứng tỏ hàng quán của tôi bán có chất lượng, bảo đảm vệ sinh(!?).

Hầu như tại những khu vực xung quanh các bệnh viện đều có nhiều hàng quán, xe đẩy, hàng gánh. Phần nhiều các quán đều tạm bợ, trông rất nhếch nhác. Vì hàng quán nhỏ nên chủ quán kiêm luôn tạp vụ, đôi tay chị chủ quán làm đủ mọi thứ, từ lấy thức ăn, thối tiền, bưng bê, lau chùi. Tất nhiên, những chủ quán loại này ít ai đeo găng tay để bảo đảm vệ sinh.

Họ chỉ chăm vào một điều có đông khách hay không thôi. Một chủ quán trước cổng Bệnh viện Đà Nẵng cho hay: Mỗi ngày là mỗi người khách khác nhau vì họ có ăn cả đời đâu chứ! Tôi thấy người đi nuôi bệnh ăn uống xuề xòa nên chúng tôi cũng chẳng cần “đầu tư”, làm sao để khách ăn cảm thấy ngon miệng và phục vụ nhanh là được.

Cũng với tâm lý ấy, nhiều chủ quán tại bến xe Đà Nẵng ít chú tâm đến vấn đề VSATTP. Hiện tại, ở bến xe Đà Nẵng có một dãy hàng quán nằm trong bến với khoảng hơn 10 ki-ốt bán đủ loại, trong đó có hơn 5 quán phục vụ ăn uống. Theo quan sát của chúng tôi, chỉ có một số quán có giấy chứng nhận đăng ký đủ điều kiện về VSATTP. Tuy nhiên, dù có hay không có giấy chứng nhận thì các quán đều có chung một đặc điểm là nhếch nhác, bụi bặm, người đông và không bảo đảm vệ sinh.

Có điều, các loại hàng quán thì như vậy, nhưng người tiêu dùng lại không mấy quan tâm, để ý đến VSATTP. Bà Hồng H. (trú huyện Hòa Vang) đang nuôi người nhà bị ốm tại Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: Do lười về nhà nấu ăn, vả lại thức ăn ở các hàng quán cũng ngon, tiện lợi nên ngày nào tôi cũng mua. Tôi thấy khách ăn nhiều nhưng có mấy ai bị ngộ độc bao giờ đâu nên cũng yên tâm.

Tuy nhiên, với nhiều trường hợp thì việc ăn uống tại hàng quán là bắt buộc. Bà Nguyễn L. (trú huyện Thăng Bình, Quảng Nam) tâm sự: Tôi ở Quảng Nam ra đây chữa bệnh cho con nên việc ăn uống rất khó khăn. Cơm trước cổng bệnh viện là thứ thức ăn nhanh nhất, tiện nhất và cũng có thể là mất vệ sinh nhất, nhưng rồi chẳng còn cách nào khác. Mấy ngày đầu thấy sợ, cuối cùng cũng phải quen.

Thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố có nhiều trường hợp nhập viện vì ngộ độc thức ăn. Theo các bác sĩ, những trường hợp này hầu hết bị nhiễm độc do vi sinh, trong đó rất nhiều mẫu bệnh phẩm chứa Ecoli… Vì vậy, để bảo đảm sức khỏe cho chính bản thân mình, nhất là dịp hè nắng nóng, mỗi người hãy tự ý thức về việc chọn thức ăn cũng như nơi ăn uống hợp lý, bảo đảm vệ sinh; các lực lượng chức năng cần có những biện pháp hữu hiệu để quản lý việc kinh doanh hàng ăn uống của các hàng quán trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tại bến xe, bệnh viện...

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.