.

Trước nguy cơ dịch bệnh

.

Virus cúm A/H1N1 tiếp tục lan rộng, số quốc gia và bệnh nhân nhiễm bệnh vẫn đang tăng lên từng ngày khiến các quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo rằng thế giới đang tiến dần đến một đại dịch có quy mô toàn cầu. Ngành y tế Đà Nẵng có thể chủ động với những ca bệnh nghi ngờ nhiễm cúm, nhưng xem ra vấn đề hiện nay khá phức tạp khi trong nước đã xuất hiện những bệnh nhân đầu tiên.

Phân tích các mẫu bệnh phẩm tại Trung tâm YTDP Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Dịch tễ, Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) thành phố cho rằng, khi đã phát hiện có ca nhiễm cúm, thì bước đầu tiên là cần hạn chế tối đa để bệnh không xâm nhập hay lây lan trong cộng đồng. Hiện nay vấn đề này khá khó khăn khi thiết bị để phát hiện ra người bệnh có thân nhiệt cao đặt tại sân bay và cảng biển quá ít. Viện Pasteur Nha Trang có trách nhiệm xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho bệnh nhân của 11 tỉnh, thành miền Trung và trong nguyên tắc là từ 24 – 48 giờ sẽ có kết quả; nhưng ở Đà Nẵng có thể mất đến 4 ngày mới có kết quả do tính cả thời gian vận chuyển.

Các bệnh viện vẫn phải thực hiện nguyên tắc chủ động với những ca bệnh nghi ngờ nhiễm cúm, thực hiện cách ly bệnh nhân và xử lý môi trường. Với những trường hợp bệnh nhân đang ủ bệnh, nhưng không có biểu hiện sốt thì việc phát hiện bệnh là rất khó, nếu bệnh nhân không chủ động đi xét nghiệm như trường hợp bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus H1N1 ở Việt Nam.

Chưa kể Đà Nẵng là một trong những địa phương có đủ đường bộ, đường biển và đường hàng không, là điểm đi và đến của khách trong nước và quốc tế nên nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Việc lập hàng rào kiểm soát dịch, tăng cường thiết bị phát hiện, thành lập các khu cách ly, các loại vaccine phòng bệnh... được chuẩn bị chu đáo, nhưng thực tế sẽ hỗ trợ như thế nào nếu dịch bệnh lây lan thì chưa một ai dám khẳng định chắc chắn.

Điều lo ngại của ông Lãm là có đầy đủ cơ sở và ngành YTDP sẽ cùng gánh một trọng trách nặng nề về triển khai công tác giám sát, tuyên truyền để mỗi người dân cảnh giác trước nguy cơ dịch bệnh, và cao hơn là phát triển hệ thống YTDP, tính trước cho một tương lai lâu dài.

Hiện nay, nếu có bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 thì khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng sẽ chịu trách nhiệm điều trị. Trường hợp số lượng bệnh nhân tăng cao thì Bệnh viện Điều dưỡng sẽ cùng thu dung chữa trị. Các ca bệnh thuộc nhóm cúm A không phân tuyến, nên các bệnh viện từ cấp quận, huyện trở lên đều có thể là nơi tiếp nhận bệnh nhân nếu có dịch lớn xảy ra. Theo bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trung tâm YTDP hiện có khoảng 200 liều vaccine ngăn ngừa bệnh cúm nhưng chỉ mới sử dụng cho những người làm công tác dự phòng, tức những người có thể phải tiếp xúc thường xuyên với môi trường có dịch bệnh.
 

Đeo khẩu trang khi ra đường trong thời điểm có nhiều nguy cơ dịch bệnh lây qua đường hô hấp. (Ảnh Reuters)

Các bệnh cúm H1N1, H5N1 vẫn chưa có vaccine đặc trị mà hiện nay chỉ có vaccine ngăn ngừa cúm thông thường, nên mỗi người dân phải tự biết cách phòng bệnh cho bản thân. Trong khi các bác sĩ khuyến cáo vaccine ngừa bệnh cúm chỉ phát huy hết tác dụng nếu được tiêm ngừa trước 3 tháng. Theo WHO, chỉ riêng bệnh cúm xảy ra theo mùa tuy có thể tự khỏi nhưng có thể rất nghiêm trọng với khoảng 500.000 ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, nên việc tiêm vaccine phòng bệnh vẫn là giải pháp bền vững nhất.

Thuốc kháng virus Tamiflu và Relenza không phải áp dụng cho tất cả các trường hợp mắc bệnh cúm nên phương pháp đầu tiên để ngăn chặn dịch cúm là giữ vệ sinh cá nhân thật tốt, nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi. TS Bùi Trọng Chiến, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang phát biểu trong một buổi hội thảo do WHO tổ chức tại Đà Nẵng gần đây, chỉ riêng việc rửa tay bằng xà phòng (không diệt khuẩn) đã có thể ngăn ngừa đến 90% mầm bệnh các bệnh thuộc về đường hô hấp.

Cùng một lúc Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ dịch bệnh như dịch cúm A/H1N1, bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm, dịch sốt xuất huyết, và bệnh cúm gà H5N1 vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Các dịch bệnh đó không loại trừ người dân Đà Nẵng. Mỗi năm ngành y tế thành phố ghi nhận có gần 6.000 ca bệnh tiêu chảy, khoảng 8.000 ca mắc bệnh cúm (thông thường), hơn 200 bệnh nhân tay chân miệng và trên dưới 3.000 ca thủy đậu...

Như vậy, những dịch bệnh thuộc về vấn đề vệ sinh dịch tễ vẫn chiếm đa số; bệnh lại có tính chất bùng phát theo mùa. Cộng với dịch cúm hiện nay, các quan chức ngành y tế khuyên người dân nên theo dõi thông tin truyền thông đại chúng về dịch bệnh một cách đầy đủ và không hoang mang khi xuất hiện dịch bởi tính đến hiện nay, tỷ lệ tử vong do bệnh cúm này không cao và dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát. Với những bệnh khác, việc mỗi năm có hàng trăm đến hàng nghìn người mắc bệnh là do điều kiện môi trường sống và vấn đề vệ sinh cá nhân của mỗi người.
 

 

Các nguyên tắc phòng ngừa bệnh cúm do WHO khuyến cáo:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và tránh chạm tay vào mặt.

- Che miệng khi ho hay hắt hơi (dùng khuỷu tay che miệng khi ho, hắt hơi).

- Ở trong nhà nếu bạn không khỏe.

- Tránh tiếp xúc với người bệnh.

- Đi khám nếu bạn sốt, ho, đau họng, đau người, đau đầu, ớn lạnh và mệt mỏi.

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân.

 
Có thể nói lý do nguồn nước và thức ăn không bảo đảm vệ sinh là điều kiện để những dịch bệnh truyền nhiễm tăng nhanh, những bệnh thường xảy ra ở những nước đang phát triển. Vấn đề đặt ra là với nhiều bệnh có thể gây nên dịch trên diện rộng, cần xem lại khâu tuyên truyền về ý thức phòng bệnh, chữa bệnh của người dân; và giữ vệ sinh môi trường.

GS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia cho rằng, thay vì mỗi năm Nhà nước phải chi ra một khoản lớn để chữa bệnh cho người dân ở những bệnh xuất hiện bởi cần “ăn chín, uống sôi, ngủ màn, dùng nước sạch”, nên đầu tư đồng bộ cho người dân một hệ thống nước sạch bảo đảm an toàn, có nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn, thì những dịch bệnh liên quan nhiều đến vấn đề vệ sinh sẽ dần được đẩy lùi. Đó không phải là điều kiện chăm sóc y tế, mà là vấn đề đầu tư cơ bản để người dân có một lối sống vệ sinh, lành mạnh.

Hoàng Nhung

 

;
.
.
.
.
.