.

Bệnh viện cho thương binh và người tàn tật

.

Ngày 25-5-2009, Bộ trưởng Bộ  Lao động-Thương binh và Xã hội ký Quyết định thành lập Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng (BV CH-PHCN) trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm CH-PHCN Đà Nẵng. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông HOÀNG VĂN CÚC, Giám đốc Bệnh viện về những hướng phát triển trong thời gian tới của đơn vị.

* P.V:  Xin ông cho biết quy mô của BV CH-PHCN hiện nay sau khi có Quyết định nâng cấp từ trung tâm lên bệnh viện?

 

- Ông Hoàng Văn Cúc: BV CH-PHCN Đà Nẵng là bệnh viện chuyên khoa về chỉnh hình và phục hồi chức năng, sản xuất, lắp ráp dụng cụ chỉnh hình và bán thành phẩm. Bệnh viện có chức năng khám, điều trị, phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội, người khuyết tật, người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các đối tượng có nhu cầu khác.
 
Bệnh viện có quy mô 320 giường bệnh cả nội và ngoại trú, trang thiết bị, máy móc hiện đại với 4 phòng chức năng, 7 khoa chuyên môn và xưởng sản xuất, lắp ráp dụng cụ chỉnh hình và bán thành phẩm. Hiện bệnh viện có tổng số 132 cán bộ, nhân viên, trong đó 14 người có trình độ cao học, chuyên khoa cấp 1 và 2, 36 bác sĩ, 12 cán bộ có trình độ cao đẳng và 49 điều dưỡng, kỹ thuật viên…
 
Là một bệnh viện chuyên ngành, chúng tôi hy vọng sau khi nâng cấp sẽ nỗ lực phát huy hiệu quả trong việc điều trị bệnh nhân, nhất là đối tượng người có công, người thuộc diện chính sách xã hội và khuyết tật bẩm sinh, giảm các chi phí cho bệnh nhân trong khu vực phải đi xa để điều trị.

* P.V: Qua khảo sát, hiện trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh trong cộng đồng còn khá nhiều, ông có thể cho biết bệnh viện sẽ có những hỗ trợ gì để điều trị cho trẻ khuyết tật bẩm sinh trong thời gian tới?

- Ông Hoàng Văn Cúc:
Điều trị trẻ em khuyết tật là vấn đề mà bệnh viện chúng tôi vẫn còn đang rất trăn trở và luôn mong muốn làm những điều tốt nhất cho các em để các em có một tương lai tươi sáng. Đối với trẻ em khuyết tật, để điều trị hiệu quả thì việc phát hiện bệnh sớm là điều kiện tiên quyết cho khả năng phục hồi của trẻ sau này.

Ví dụ như bệnh chân khòeo ở trẻ, nếu được phát hiện sớm thì chỉ cần nắn chỉnh sử dụng phương pháp Ponseti, trẻ em sẽ có thể đi lại bình thường như các trẻ nhỏ cùng trang lứa. Nhận biết được tầm quan trọng đó, các bác sĩ, y tá tại BV CH-PHCN Đà Nẵng đã trực tiếp đến các vùng xâu vùng xa để khám lọc trẻ khuyết tật, đưa trẻ về bệnh viện để điều trị.

Hiện tại, bệnh viện phối hợp cùng tổ chức Đông Tây hội ngộ khám lọc và điều trị bệnh nhân bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, bệnh viện triển khai chương trình PHCN tại cộng đồng thông qua việc tập huấn cho các y, bác sĩ tuyến cơ sở và các cộng tác viên sự nhận biết dạng bệnh và các kỹ năng chăm sóc, điều trị cho gia đình trẻ khuyết tật tại cộng đồng.

Sau khi điều trị tại bệnh viện, trẻ cần được duy trì tập luyện ở nhà để những khuyết tật không bị tái phát lại. Với những thuận lợi về cơ sở vật chất, đội ngũ y, bác sĩ có năng lực chuyên môn cao, bệnh viện phấn đấu điều trị ngày càng nhiều trẻ em khuyết tật nói chung và những người bị chấn thương nói riêng.  

* P.V: Công tác hợp tác, hỗ trợ chuyển giao các kỹ thuật khám, chẩn đoán và điều trị bệnh với các đối tác nước ngoài thời gian qua được đánh giá rất hiệu quả. Ông có thể đánh giá khái quát kết quả đạt được và hướng hợp tác hỗ trợ trong tương lai?

- Ông Hoàng Văn Cúc: Thời gian qua, BV CH-PHCN Đà Nẵng đã hợp tác với rất nhiều tổ chức trong và ngoài nước như: Tổ chức Hỗ trợ phát triển Đức, tổ chức Thầy thuốc tình nguyện viên Hải ngoại, tổ chức Đông Tây hội ngộ, Hội Chữ thập đỏ quốc tế, tổ chức Viet Nam Holding Foundation Thụy Sĩ... Các tổ chức này thường xuyên đưa các chuyên gia, bác sĩ, vật lý trị liệu sang hỗ trợ kỹ thuật khám và điều trị bệnh nhân.

Như tổ chức Thầy thuốc tình nguyện viên Hải ngoại, cứ khoảng 2 tháng là đưa chuyên gia vật lý trị liệu sang hỗ trợ các kỹ thuật viên vật lý trị liệu tại bệnh viện trong việc khám và điều trị bệnh nhân. Ngoài ra, các chuyên gia này còn tổ chức các lớp tập huấn về các kiến thức y học tiên tiến trên thế giới, giúp cho các kỹ thuật viên, bác sĩ tại bệnh viện có cơ hội học hỏi và tìm hiểu về những kiến thức y học mới và hiện đại, giúp điều trị bệnh nhân hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị.

Bên cạnh đó, tổ chức Viet Nam Holding Foundation ngoài việc hỗ trợ về vật chất như trang thiết bị, máy mổ nội soi, còn đưa các chuyên gia bác sĩ hàng đầu tại Thụy Sĩ đến chuyển giao công nghệ mổ nội soi khớp trong 5 năm. Điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc điều trị bệnh nhân.

Trong tương lai, BV CH-PHCN sẽ phát triển thành bệnh viện chuyên khoa sâu để có điều kiện phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân, do vậy bệnh viện tiếp tục kêu gọi các tổ chức nước ngoài hỗ trợ, tập trung ở lĩnh vực chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới để đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện có cơ hội nâng cao kiến thức và tay nghề, phục vụ ngày càng tốt hơn nữa cho thương binh, người khuyết tật và các bệnh nhân có nhu cầu tại miền Trung và Tây Nguyên.

P. V: Xin chân thành cảm ơn ông!

VIỆT DŨNG (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.