.

Cúm A/H1N1: Chủ động phòng dịch thay vì lo lắng

.

(ĐNĐT) - Sau khi Đà Nẵng có ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên, dịch cúm đã trở thành câu chuyện thường nhật của người dân thành phố trong thời điểm hiện tại. Dù đa số người dân đều nhận thức được mức độ nguy hiểm và cách phòng tránh dịch bệnh, song giữa ý thức và hành động vẫn còn một khoảng “vênh” khá lớn. 

Đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Lục Ngạn.

Ngại đeo khẩu trang vì… lịch sự

Phía trước Ga Đà Nẵng, hai bác xe ôm Nguyễn Văn Bình và Trần Anh đang tán chuyện với nhau lúc vãn khách, chủ đề xoay quanh việc làm thế nào để phòng cúm A/H1N1. Một chuyến tàu Thống Nhất vừa vào ga, rất đông hành khách, trong có cả khách du lịch quốc tế, lần lượt ùa ra. Bỏ dở câu chuyện, hai bác xe ôm vội vàng chạy đến bắt khách, đon đả hướng dẫn, trò chuyện, cả người mời và khách đi xe đều không mang khẩu trang bảo vệ.

Mỗi ngày, có hàng trăm lượt người ra vào khám, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, tuy nhiên, rất ít người trong số đó sử dụng khẩu trang, và đa số cũng chỉ là khẩu trang vải thông thường. Cả người già và trẻ em, những đối tượng có khả năng nhiễm cúm cao, cũng được người thân dẫn đến bệnh viện trong tình trạng vô tư “hít thở” khí trời.

Trong quán cơm Bà Béo trên đường Trần Cao Vân, một nhóm các công nhân vừa tan ca ùa vào quán, họ vô tư dùng tay bốc các món ăn trong tủ kính cho vào đĩa cơm của mình, sau đó mang về bàn ăn, có người thỉnh thoảng còn nhúng ngón tay vào ly nước trà quấy đều cho đá mau tan.

Theo WHO, đến ngày 30-6-2009 đã có 70.893 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 tại 116 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có 311 trường hợp tử vong.
 
Tại Việt Nam, tính đến 17h00 ngày 30-6-2009 đã ghi nhận 131 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (miền Nam: 109, miền Trung: 8 và miền Bắc: 14 trường hợp). (Nguồn: Bộ Y tế)
Đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn hoặc sau khi tiếp xúc với các bề mặt, vật dụng ở các nơi đông người là hai khuyến cáo cơ bản nhất mà Bộ Y tế đã đưa ra, nhằm kêu gọi người dân tự bảo vệ mình trước dịch cúm A/H1N1. Tuy nhiên, mức độ tác động của các khuyến cáo này còn khá hời hợt.

Chị Ngọc Hân, chủ một quầy kinh doanh giày dép ở chợ Cồn, cho biết: “Mấy hôm nay, thấy khách du lịch đến mua sắm, tụi chị vẫn đon đả chào mời, nhưng quả thực là không thể thoải mái như trước. Lo, nhưng vừa đeo khẩu trang vừa bán hàng thì rất khó, khách sẽ tự ái và bỏ hàng mình ngay”.

Đây cũng là tâm lý chung của hầu hết các tài xế taxi, xe thồ, xích lô, người buôn bán ở chợ… trong mùa cúm. Bởi việc đeo khẩu trang tưởng như là hành động thông thường, phổ biến nhất, lại “làm khó” cho những người lao động kể trên, bởi theo họ, “nói chuyện, mời chào khách mà lúc nào cũng kè kè cái khẩu trang che kín hơn nửa mặt thì thật mất lịch sự”.

Chị Minh Duyên, chủ một cửa hàng thiết bị y tế trên đường Hải Phòng, phía trước Bệnh viện Đà Nẵng, cho hay: “Mấy hôm nay cũng có vài người đến hỏi mua khẩu trang phòng chống dịch, nhưng rất thưa thớt. Đặc biệt, những loại khẩu trang cỡ nhỏ dành cho trẻ em cũng rất “ế” hàng, đa số phụ huynh đều sợ con mình bị ngạt thở khi đeo những loại này”.

Bác Trần Minh Dũng, làm nghề chạy xích lô đang đứng đợi khách ở Đường Bạch Đằng, tâm sự: “Mấy hôm nay khách du lịch rất quan tâm đến trường hợp bị nhiễm cúm đầu tiên ở Đà Nẵng, chở khách đi tham quan mà toàn nói chuyện về cúm. Họ lo thì nhiều nhưng lại không chịu đeo khẩu trang bảo vệ ở những nơi công cộng, mình cũng đành “liều” theo chứ không dám nhắc vì sợ mất lòng khách”.

Chủ động phòng dịch thay vì lo lắng

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, cho biết: “Cúm A/H1N1 lây lan nhanh, nhưng hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa, vì thế trong việc phòng chống và giám sát dịch cúm, điều quan trọng nhất là ý thức người dân. Việc người dân tự khai báo mình đến từ vùng có dịch, áp dụng những biện pháp bảo vệ mình ở những nơi đông người, dễ lây lan dịch là rất cần thiết”.

Hiện nay, điều mà người dân lo lắng nhất là không thể phân biệt được các triệu chứng lâm sàng giữa cúm A/H1N1 và cúm mùa thông thường như sốt (trên 38 độ C), đau họng, ho khan, đau đầu, nôn, mệt mỏi…

“Trong phòng có mở điều hòa, virus cúm sống được vài giờ đồng hồ. Dưới tia sáng mặt trời, virus dễ bị tiêu diệt hơn.

Vì thế, người dân nên hạn chế dùng điều hòa, mở cửa phòng thông thoáng giúp lưu thông không khí cũng là cách giảm mật độ virus trong phòng, rất tốt cho việc phòng tất cả các bệnh đường hô hấp, không riêng gì cúm A/H1N1”, bác sĩ Tôn Thất Thạnh.
“Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai mắc các triệu chứng trên thì lập tức lo sợ mình bị cúm A/H1N1, chỉ những ai từng ở trong vùng dịch, tiếp xúc với người bị cúm thì mới đáng lo. Những trường hợp như vậy cũng không nên đi khám ở nhiều bệnh viện khác nhau, sẽ làm tăng khả năng lây bệnh. Mọi người nên đến một địa chỉ duy nhất là Khoa Lây, Bệnh viện Đà Nẵng (cổng sau, 103 Quang Trung) để khám bệnh”, bác sĩ Thạnh nói.

Trước việc nhiều người dân lo lắng, hoãn các chuyến du lịch vì lo ngại trước mức độ lây lan nhanh của cúm A/H1N1, các bác sĩ ở Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đưa ra lời khuyên: “Không hẳn cứ có dịch cúm là người dân không thể đi du lịch, điều quan trọng là phải biết cách tự bảo vệ mình như đeo khẩu trang ở nơi công cộng, thường xuyên rửa tay, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, tập luyện thể dục thể thao, tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức khoẻ”.

“Người dân cần lưu ý khi lựa chọn khẩu trang, vì nếu không đúng loại và dùng không đúng cách sẽ không đạt hiệu quả bảo vệ như mong muốn, nên dùng những loại khẩu trang chuyên dụng như N95 (có bán rộng rãi tai các quầy thuốc, dụng cụ y tế) ở những nơi có nồng độ virus cúm cao, khép kín, đông người mắc bệnh. Còn những loại khẩu trang vải bình thường trên thị trường chưa có bằng chứng nào bảo vệ hiệu quả trước bệnh cúm”.

Về trường hợp bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1 đầu tiên tại Đà Nẵng, bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tam Thuận, cho biết: “Từ lúc em Huy bị cách ly, các nhân viên y tế địa phương thường xuyên đến theo dõi tình hình sức khỏe, thăm hỏi, động viên gia đình bệnh nhân, hiện sức khỏe của các thành viên trong gia đình vẫn bình thường, tinh thần khá ổn định”.
 
NGÔ ĐỒNG

Người mua khẩu trang cần biết

Khẩu trang đa năng của Danameco.
Dược sĩ Phạm Thị Minh Trang, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần y tế Danameco (105 Hùng Vương, Đà Nẵng), cho biết Danameco hiện có 4 loại khẩu trang có giá bán sỉ chỉ từ 1 nghìn đến 22,5 nghìn đồng/chiếc với chất lượng đã được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành và được Trung tâm Kiểm định tiêu chuẩn chất lượng kiểm định đạt TCCS-TW3.SX/TCCS.61.

Trong đó, khẩu trang dạng mõm N96 loại thường (ngăn chặn 96% vi khuẩn và bụi khuếch tán trong không khí) giá 14 nghìn đồng/chiếc; loại nano-bạc (ngoài hiệu quả như loại thường còn có thêm chức năng diệt khuẩn ngay trên bề mặt khẩu trang) giá 16 nghìn đồng/chiếc; loại có than hoạt tính (ngoài hiệu quả như loại thường còn có thêm lớp than hoạt tính giúp khử các hóa chất độc hại như xăng, dầu, thuốc trừ sâu...) giá 17 nghìn đồng.

Đặc biệt, khẩu trang đa năng có màng lọc khuẩn, có lớp than hoạt tính, có lớp nano bạc có thể ngăn chặn 96% vi khuẩn và bụi khuếch tán trong không khí. Khẩu trang được mệnh danh là “3 trong 1” này có 2 tấm lót thay thế. Tấm lót 1 gồm 1 lớp lọc + 1 lớp nano bạc. Tấm lót 2 gồm 1 tấm có chứa màng lọc + 1 lớp than hoạt tính. Có nơi bán khẩu trang đa năng lên đến 40-60 nghìn đồng/chiếc, nhưng giá chính thức của Danameco là từ 22,5 nghìn đồng/chiếc (bán sỉ) đến 25 nghìn đồng/chiếc (bán lẻ).

Lâu nay, nhiều người cho rằng các thiết bị, trang phục phòng dịch phải được sản xuất từ nước ngoài thì mới xịn mà không biết rằng ngay trong nước vẫn sản xuất được với giá rẻ và chất lượng tốt. Bà Minh Trang khẳng định: "Chúng tôi không xem dịch cúm là “cơ hội” cho mình, chỉ muốn chuyển tải thông tin rộng rãi đến cộng đồng, để mọi người không phải chạy đôn chạy đáo đi mua khẩu trang với giá quá cao. Hiện nay, Danameco không chỉ nhận đơn đặt hàng trong nước mà nhiều thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ… Tuy nhiên, Danameco vẫn ưu tiên cho thị trường trong nước để phục vụ cho lợi ích cộng đồng”.

Văn Thành Lê


;
.
.
.
.
.