.
KIỂM SOÁT CÚM A/H1N1

Không để dịch xâm nhập sâu trong cộng đồng

.

Không còn là tình huống giả định như trong diễn tập, tuy muộn hơn nhưng ngày mà thành phố Đà Nẵng xác định trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên đã khiến cho không ít người phải lo lắng. Bệnh viện Đà Nẵng ngay lập tức di chuyển bệnh nhân đang điều trị các bệnh truyền nhiễm, tập trung máy móc thiết bị, kể cả máy chụp, rửa phim ngay trong khu vực cách ly thuộc khoa lây. Trong khi đó, các bác sĩ nhanh chóng dọn dẹp phòng ốc để thu dung người bệnh.

Những bệnh nhân đặc biệt 

Từ khi có bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1, khu vực cách ly điều trị cúm của Bệnh viện Đà Nẵng trở nên vắng vẻ.

Trở về Việt Nam để nghỉ hè, tắm biển, nhưng P.S.H không nghĩ chuyến đi này khiến cả gia đình em gặp nhiều trắc trở. Ngày 26-6, sau khi về đến Đà Nẵng chưa đầy một ngày, không kịp nghỉ ngơi sau những chuyến bay dài, H. đã phải vào cách ly tại bệnh viện và 24 tiếng đồng hồ sau đó em là bệnh nhân đầu tiên ở Đà Nẵng xác định nhiễm cúm A/H1N1.

Cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, người bệnh chỉ được xem ti-vi, sách báo qua Internet và mọi ăn uống, sinh hoạt đều có sự hỗ trợ của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng. Mỗi ngày 3 bữa, sáng trưa chiều. Đều đặn, đúng giờ, những người phục vụ mang thức ăn và thuốc vào cho bệnh nhân. Tất cả đều mặc trang phục bảo hộ y tế trên người. Khi mang vi-rút cúm A/H1N1 và trở thành bệnh nhân đặc biệt, H. chỉ cảm nhận sự tận tụy của y, bác sĩ qua ánh mắt và cử chỉ sau chiếc kiếng và bộ trang phục bảo bộ chống dịch đến tận răng.

Theo phác đồ điều trị do Bộ Y tế đưa ra, sau 7 ngày điều trị bằng thuốc chống cúm Tamiflu, nếu tiến triển tốt, bệnh nhân sẽ có kết quả xét nghiệm âm tính, tuy nhiên đã qua thời gian hơn 10 ngày điều trị với 4 lần xét nghiệm, bệnh nhân H. vẫn còn dương tính với cúm A/H1N1. Nhận định rất có thể bệnh nhân kháng thuốc nên các bác sĩ hội chẩn với các giáo sư đầu ngành và quyết định điều trị tăng cường liều lượng Tamiflu gấp đôi.
 
Đến ngày 12-7, bệnh nhân H. cho kết quả xét nghiệm âm tính với cúm A/H1N1 và được phép xuất viện. Bác sĩ Bùi Ngọc Nam Anh, Trưởng khoa Lây, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, Tamiflu là loại kháng thể mạnh, bệnh nhân uống vào sẽ có cảm giác mệt người. Tuy nhiên, nếu không uống thuốc theo đúng chỉ định, đúng liều lượng hay bệnh nhân bỏ thuốc thì khả năng lành bệnh sớm sẽ rất khó.

Trong thời gian nằm viện, gia đình của bệnh nhân rất lo lắng, tâm trạng bồn chồn, nóng ruột. Theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, mỗi ngày trôi qua, lại có thêm hàng ngàn người trên thế giới mắc bệnh khiến gia đình H. không khỏi thấp thỏm. Tuy vậy, người nhà bệnh nhân đã nghiêm túc tuân thủ y lệnh của bác sĩ là không được tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mà chỉ đứng nhìn từ bên ngoài để tránh nguy cơ lây bệnh.

Ngược với bệnh nhân S.H, bệnh nhân T.M là người thứ hai mắc bệnh sau khi đi du lịch từ Thái Lan rất lo lắng khi thấy mình có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi. Dù vậy, khi biết mình bị nhiễm bệnh, T.M đã tuân thủ rất tốt yêu cầu của các bác sĩ, nhất là chịu khó uống thuốc đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý. Ngày 8-7, T.M được bác sĩ cho xuất viện trong sự vui mừng của cả gia đình, bạn bè. Tuy vậy, hai người bạn đã có tiếp xúc với cô sau khi từ Thái Lan về chẳng may bị lây nhiễm và đang tiếp tục chống chọi với căn bệnh.
 
Theo thông tin từ Bệnh viện Đà Nẵng, đến ngày 13-7, 5 trong số 6 bệnh nhân đã được bác sĩ điều trị cho xuất viện, trong đó có hai người bạn của T.M. Hiện tại, khu vực cách ly đang thu dung điều trị cho một bệnh nhân nữa. Bệnh nhân này đi từ thành phố Hồ Chí Minh về Đà Nẵng. Trên chuyến bay, bệnh nhân có ngồi gần những người nước ngoài. Khả năng lây bệnh rất có thể từ bắt nguồn từ nguyên nhân này. 

Bác sĩ cũng uống thuốc như bệnh nhân

Hiện nay, 4 tổ điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Đà Nẵng luân phiên thay đổi ca trực điều trị cho bệnh nhân cúm. Một tổ có 10 cán bộ y tế, trong đó có hai bác sĩ. Sau 3 ngày, một tổ điều trị được thay ra và phải cách ly trong thời gian 7 ngày để theo dõi có bị phơi nhiễm bệnh hay không. Trong suốt thời gian kể từ khi bước vào phòng cách ly điều trị và giao ca sau 7 ngày, mỗi ngày, các bác sĩ và những nhân viên từng tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân phải uống 1 viên Tamiflu (loại thuốc được chỉ định điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1) để dự phòng lây bệnh.

Rất vất vả, nhiều lúc muốn gặp vợ, con nhưng nhiều bác sĩ cố chịu đựng cho qua thời gian cách ly để tránh lây nhiễm. Nữ bác sĩ Trần Thị Nga, người tình nguyện tham gia điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 cho biết, “Đây là nhiệm vụ được giao nên hầu hết các bác sĩ, đặc biệt là bác bác sĩ trẻ đều không quản ngại khó khăn, tích cực tham gia điều trị người mắc cúm”. Theo bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, trước yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc trực chiến 24/24 giờ điều trị phòng, chống dịch bệnh, từ đầu tháng 6 đến nay, Bệnh viện Đà Nẵng khuyến cáo các bác sĩ và nhân viên hạn chế nghỉ phép và tham dự tập huấn nếu không quá cần thiết.

Mặc dù nhiều người đang nuôi bệnh ở các khoa khác tại Bệnh viện Đà Nẵng chưa hiểu gì về loại cúm A/H1N1 nhưng những hiểu biết để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh thì hầu như ai cũng nắm. Thậm chí, khi thấy chúng tôi bước vào đoạn đường nhỏ để vào khu vực cấm có ghi biển màu đỏ “Khu cách ly dịch - cấm vào”, nhiều người nuôi bệnh can ngăn. “Ở trong đó có bệnh cúm từ Mêhicô đó, đọc báo sáng ni thấy mấy trăm người chết vì bệnh, chú mà vào đó lây bệnh mang về nhà thì mệt lắm”, một anh trung niên nhắc chừng. Xem ra không phải ai cũng thờ ơ với căn bệnh đang lây lan trên toàn cầu này.

“Tất cả đều phải khẩn trương, chính xác và thận trọng. Trước nguy cơ dịch lây lan nhiều trong cộng đồng, ngành y tế thành phố một mặt tiến hành tốt việc thu dung điều trị, mặt khác tiếp tục lên các phương án giám sát trong trường hợp bệnh nhân không kiểm soát tại các cửa khẩu như đã xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiến hành phương án thứ hai để đối phó với dịch cúm A/H1N1” - bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết. Theo ông Út, nếu xuất hiện từ 6 bệnh nhân cúm trở lên sẽ phải chuyển toàn bộ bệnh nhân và ê kíp điều trị từ Bệnh viện Đà Nẵng đến Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng tại quận Ngũ Hành Sơn. Công tác chuẩn bị cho phương án này đã sẵn sàng và đang chờ lệnh.

Cúm A/H1N1 đã xuất hiện tại thành phố Đà Nẵng, do  vậy, mục tiêu lớn nhất hiện nay là bằng mọi cách hạn chế tối đa sự xâm nhập, lây lan sâu trong cộng đồng. Thực hiện mục tiêu này, các hoạt động giám sát, theo dõi sức khỏe hành khách ra vào các cửa khẩu quốc tế sẽ tiếp tục được siết chặt, nhất là khách đến từ vùng có dịch.

Bộ Y tế đang tính tới việc mở rộng đối tượng giám sát là những người mắc viêm phổi nặng tại các bệnh viện. Chống dịch như chống giặc, nhiệm vụ khó khăn này sẽ tiếp tục đặt trên vai các cán bộ chống dịch thuộc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và những người làm công tác điều trị bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian tới.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.