.

Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

.

Dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng tăng, trong khi chuyện diệt muỗi, dọn vệ sinh để phòng bệnh của người dân vẫn  theo kiểu “chưa thấy nhà cháy, chưa xách nước”.

“Nóng” tại địa bàn Liên Chiểu

Sinh viên mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Hải Châu.

Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Dịch tễ thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cho biết, chỉ trong tháng 6 và hai tuần đầu tháng 7 đã xuất hiện một số ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) quy mô nhỏ tại nhiều quận, huyện trên địa bàn với số lượng từ 12 đến 15 trường hợp mắc mỗi tuần. Đáng chú ý là tại địa bàn phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu chỉ trong hai tuần cuối tháng 7 đã xuất hiện mấy ổ dịch với gần hai chục trường hợp mắc.

Theo bác sĩ Phạm Phú Điềm, Phó Giám đốc Bệnh viện Liên Chiểu cho biết, mặc dù công tác khảo sát muỗi gây bệnh được Đội Y tế dự phòng quận Liên Chiểu thực hiện sớm, nhưng muỗi gây bệnh vẫn xuất hiện và bệnh bắt đầu có chiều hướng tăng. Đáng nói là đã có một trường hợp tử vong do bệnh SXH. Bệnh nhân là một sinh viên 21 tuổi đang học tại Trường Cao đẳng Giao thông vận tải II, sau nhiều ngày điều trị, do mắc bệnh khá nặng nên đã tử vong ngày 15-7. Qua điều tra dịch tễ, bệnh nhân này sống trọ tại tổ 32, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, đây là khu vực đã từng xảy ra những ổ dịch SXH với nhiều ca mắc vào những năm trước.        
 

Bác sĩ NGUYỄN ÚT - Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố: Đến ngay cơ sở y tế nếu có những biểu hiện nghi ngờ SXH

“Sốt xuất huyết là căn bệnh rất nguy hiểm, dễ dẫn đến những biến chứng nặng, có thể tử vong. Khi mắc bệnh cùng lúc với thời điểm xuất hiện nhiều muỗi quanh nhà thì phải nghĩ ngay đến việc mình đang mắc bệnh SXH và nên đến cơ sở y tế điều trị sớm chừng nào thì khả năng biến chứng sẽ được hạn chế chừng đó. Nhiều trường hợp bệnh nhân đến Bệnh viện Đà Nẵng từ các bệnh viện tuyến quận, huyện đã mắc bệnh từ độ 3 đến độ 4, phải điều trị lâu ngày mới khỏi”.

Sinh viên là đối tượng rất dễ mắc bệnh

Theo thống kê, trong tổng số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, tỷ lệ sinh viên mắc bệnh chiếm từ 15-20%. Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn sinh viên sống trọ tại các khu vực đang chỉnh trang đô thị hoặc di dời giải tỏa; môi trường sống chưa bảo đảm, muỗi gây bệnh phát sinh nhiều.

Dịch SXH đã có dấu hiệu lây lan nhanh trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc khi ở đây có nhiều người mắc trong cùng một tổ dân phố. Có  nơi cán bộ dịch tễ khảo sát và tiến hành xử lý môi trường từ 2-3 lần, nhưng lượng muỗi vẫn cứ phát sinh nhanh và dày đặc trở lại, nhất là sau khi có những trận mưa trái mùa. Muỗi phát sinh nhanh tại các khu vực chứa rác, ao hồ có cây lá mọc um tùm…

Điều đáng nói, thời gian gần đây tại các phường của quận Liên Chiểu như Hòa Hiệp Bắc, Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Nam đã xuất hiện nhiều ca bệnh nặng. Vừa qua, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu đã phải chuyển lên Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu nhiều trường hợp SXH nặng. Đây là điều đáng lo ngại, bởi theo các nhà chuyên môn dịch tễ, vào thời điểm cuối mùa dịch SXH thường xuất hiện nhiều trường hợp bệnh nặng với những biến thể rất nguy hiểm, dễ dẫn tới tử vong.  

Chạy đua trước mùa mưa

Đến nay, có gần 150 trường hợp mắc SXH. Theo chu kỳ dịch, năm 2009 là thời điểm dịch SXH có khả năng bùng phát trở lại, nhất là ở những địa phương lâu nay là điểm nóng như: Hải Châu, Sơn Trà, Liên Chiểu. Hiện nay, quận Hải Châu cũng là địa phương có nhiều bệnh nhân SXH với 12 trường hợp đang điều trị tại khoa Lây của Bệnh viện Hải Châu, trong đó có trường hợp nặng, phải chuyền dịch.

Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm cho biết, từ nay cho đến đầu tháng 9-2009 sẽ đẩy mạnh công tác xử lý môi trường, phát động người dân diệt muỗi. Nếu làm chậm công tác này coi như thất bại trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Những năm gần đây, để tuyên truyền người dân phòng bệnh, các cán bộ dịch tễ phải “cuốc bộ” đến từng tổ dân phố để vận động người dân tham gia diệt muỗi. Những biện pháp đơn giản như dọn dẹp các vật đọng nước lâu ngày, thả cá vào hồ nước, phát quang bụi rậm để ngăn ngừa bọ gậy sinh ra muỗi gây bệnh sốt xuất huyết... đã được các nhân viên y tế hướng dẫn cụ thể. Thế nhưng người dân lại chưa có ý thức cao nên công việc này vẫn chưa có hiệu quả. Rất nhiều hộ không thực hiện triệt để những hướng dẫn của nhân viên y tế khiến nguy cơ bùng phát dịch ngày càng cao, nhất là ở những khu vực có mật độ dân cư đông đúc.

Theo Thạc sĩ-bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, rất nhiều sinh viên sống trọ hiện nay không để ý đến môi trường sống tại khu vực mình đang ở. Nhiều em khi mắc bệnh SXH nhưng cứ nghĩ mình chỉ bị cảm nên tự mua “mấy liều thuốc” về uống. Đến khi bệnh nặng mới được bạn bè đem đến bệnh viện để khám, điều trị. Có những trường hợp, đến lúc đó thì đã quá muộn.

Đối với người dân khu vực đang tiến hành giải tỏa, điều mà các bác sĩ khuyến cáo là nên thường xuyên để ý đến khu vực quanh nhà. Bởi, đây là những nơi dân cư thưa thớt, ao tù, nước đọng nhiều sẽ phát sinh nhiều muỗi gây bệnh. Do vậy, tranh thủ thời tiết còn nắng ráo, các tổ dân phố nên huy động người dân phát quang những khu vực công cộng, làm sạch môi trường để hạn chế bệnh SXH.

Triệu chứng và chẩn đoán bệnh SXH

Thời kỳ ủ bệnh từ 3 đến 6 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày. Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, ói mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.

Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết với những chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi. Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc.

Giai đoạn sớm của bệnh không thể phân biệt được với sốt Dengue. Tuy nhiên thường sau từ 2 đến 5 ngày, tức là vào giai đoạn hạ sốt, một số trường hợp nhiễm trùng tiên phát và đa số các nhiễm trùng thứ phát sau khi đã nhiễm một loại huyết thanh khác có biểu hiện hạ tiểu cầu (< 100.000/mm³) và cô đặc máu.

Thường thì giảm tiểu cầu xảy ra trước cô đặc máu. Biểu hiện xuất huyết có thể xảy ra hoặc không. Các biểu hiện xuất huyết thường gặp trong SXH Dengue, gồm xuất huyết dưới da tự phát hoặc sau tiêm chích, chảy máu chân răng, chảy máu mũi và xuất huyết tiêu hóa. Lách thường không lớn. Nếu gan lớn và đau thì đây là những dấu hiệu xấu.

Các biểu hiện khác có thể gồm tràn dịch màng phổi, giảm protein máu, bệnh lý não với dịch não tủy bình thường. Tính thấm mao mạch gia tăng, với hậu quả thoát huyết tương ra ngoài khoang dịch kẽ với lượng lớn, là nguyên nhân của tình trạng cô đặc máu. Khi bệnh nhân có đồng thời hai dấu hiệu giảm tiểu cầu và cô đặc máu thì được chẩn đoán là sốt xuất huyết Dengue và được phân loại theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO):

Độ I: Giảm tiểu cầu kèm cô đặc máu nhưng không có chảy máu tự phát. Độ II: Giảm tiểu cầu và cô đặc máu kèm theo chảy máu tự phát. Độ III: Giảm tiểu cầu và cô đặc máu, huyết động không ổn định như mạch lăn tăn, huyết áp kẹp (hiệu số huyết áp tâm thu - huyết áp tâm trương < 20 mm Hg), tay chân lạnh, tinh thần lú lẫn. Độ IV: Giảm tiểu cầu và cô đặc máu, sốc biểu hiện rõ như bệnh nhân không có mạch ngoại biên, huyết áp = 0 mm Hg.

DIỆU MINH


Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

 

;
.
.
.
.
.