.

Vi-rút cúm A/H1N1 có thể tồn tại nhiều giờ trong toa tàu hỏa sử dụng điều hòa

.

* Cách ly một bệnh nhân nghi nhiễm cúm trở về từ trường tư thục Nguyễn Khuyến, thành phố Hồ Chí Minh

Liên quan đến các trường hợp phát hiện dương tính với cúm A/H1N1 trên tàu hỏa ngày 24-7 (tuyến từ thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội), ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, về nguyên tắc, khi phát hiện các trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 trên các chuyến tàu hoặc máy bay thì phải thực hiện khử khuẩn trên cả đoàn tàu, máy bay, đặc biệt là toa có hành khách nhiễm cúm.

Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1.

Đồng thời, thông báo cho tất cả các hành khách đi cùng chuyến với bệnh nhân để họ chủ động theo dõi sức khỏe và cách ly tại nhà dưới sự hướng dẫn của cán bộ y tế tại địa phương. Tuy nhiên, do việc xét nghiệm hành khách nhiễm cúm thường mất vài ngày, trong khi các đoàn tàu và máy bay thì hoạt động liên tục nên việc khử trùng cho các đoàn tàu, máy bay hiện nay là rất khó. Thêm vào đó, việc sử dụng hóa chất khử khuẩn trên máy bay, tàu hỏa cũng yêu cầu loại hóa chất chuyên dụng để không làm hư hại các vật dụng trên tàu và máy bay nên rất tốn kém.

Theo các nhà khoa học, trong môi trường thông thoáng tại các toa tàu không sử dụng điều hòa thì virut cúm A/H1N1 có thể tồn tại được trong vài giờ. Còn ở trong môi trường kín, có sử dụng điều hòa, vi-rút có thể sống được cả ngày. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo các đoàn tàu nên mở cửa, tạo môi trường thoáng khí để virut không có điều kiện lây lan và phát tán bệnh.

Ngày 28-7, Việt Nam đã ghi nhận thêm 31 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, trong đó có 22 ca ở miền Nam, 3 ca ở miền Bắc, 1 ca ở miền trung, 5 ca ở Tây Nguyên.
Thông báo từ Bộ Y tế cho biết, tính đến 17 giờ ngày 28-7, Việt Nam đã ghi nhận 703 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, không có tử vong. Số bệnh nhân đã ra viện là 386 ca, 317 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định, không có biến chứng nặng.

Trong khi đó, trước lo lắng của nhiều người dân về thông tin cúm A/H1N1 kháng thuốc Tamiflu, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, hiện nay Tamiflu vẫn là “vũ khí” quan trọng chống cúm A/H1N1. Cho đến nay, thuốc Tamiflu (Oseltamivir) vẫn là thuốc điều trị nhiễm cúm A/H1N1 có hiệu quả và được sử dụng cho bệnh nhân mắc cúm tại các nước trên thế giới.

Theo báo cáo của Viện Y học lâm sàng và nhiệt đới Quốc gia, hiện chưa có bằng chứng lâm sàng về tình trạng vi-rút cúm A/H1N1 kháng thuốc Tamiflu. Tuy nhiên, có một số trường hợp thời gian điều trị bằng Tamiflu kéo dài có thể do tính miễn dịch và tính thải trừ vi rút chậm của cơ thể bệnh nhân.

* Chiều ngày 28-7, Thạc sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, vào 9 giờ sáng ngày 28-7, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận và cách ly một bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1 với biểu hiện sốt, ho, đau họng, là học sinh học tại Trường trung học tư thục Nguyễn Khuyến, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh (trường đã phát hiện nhiều ca dương tính với cúm A/H1N1).
 
Học sinh này tên N.H.T (trường trú xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho biết, cách đây 4 ngày có tiếp xúc với một học sinh khác trong trường, sau đó người này được xác định dương tính với cúm A/H1N1. Sau khi T. về nhà được ba ngày thì có biểu hiện sốt. Hiện bệnh nhân đang được cách ly theo dõi tại khu vực cách ly, Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh phẩm của bệnh nhân đã được lấy và đưa đi xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang.

Tin và ảnh: Diệu Minh

;
.
.
.
.
.