.

Chủ động phòng chống, ngăn chặn hiệu quả dịch cúm A/H1N1

.

* Bệnh nặng, cúm A/H1N1 nguy hiểm không kém cúm A/H5N1

Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch cúm A/H1N1, ngày 3-8, Chủ tịch UBND - Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm A/H1N1 thành phố có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và đề nghị các đoàn thể, đơn vị y tế của Bộ, ngành Trung ương, quân đội đóng trên địa bàn thành phố, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch cúm A/H1N1.

Cán bộ y tế phun thuốc khử khuẩn xe chở bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1. Ảnh: V. D

Đặc biệt, cần đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch cho cán bộ, công chức, người lao động và toàn thể nhân dân; tăng cường các hoạt động giám sát dịch tại các cửa khẩu, trường học, công sở, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư nhằm sớm phát hiện và điều trị kịp thời người nhiễm cúm A/H1N1.

Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo duy trì họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm A/H1N1 ngành Y tế hằng ngày, hằng tuần, đột xuất để chỉ đạo phòng, chống dịch; kịp thời báo cáo tham mưu, đề xuất cho Ban Chỉ đạo thành phố các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trong từng giai đoạn và kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát dịch chặt chẽ tại sân bay, nhà ga, bến xe, cộng đồng, đặc biệt tại các cơ quan, trường học… để phát hiện sớm và xử lý y tế kịp thời các trường hợp nghi ngờ, không để dịch lây lan; thực hiện cách ly tại các cơ sở y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế. Khi xuất hiện các chùm ca bệnh tại cộng đồng, cần tổ chức giám sát chặt chẽ; duy trì giám sát tại các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là các đối tượng người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người mang các bệnh mãn tính.

Tổ chức các đội chống dịch cơ động và cấp cứu lưu động trực luân phiên 24/24 giờ; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, vật tư và phương án để cách ly, điều trị bệnh nhân trong mọi tình huống. Khẩn trương có hướng dẫn phương án và biện pháp phòng, chống dịch theo các nhóm: trường học, công sở, doanh nghiệp…

Sở Thông tin-Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và vào các giờ cao điểm về các biện pháp phòng, chống dịch, các khuyến cáo của Bộ Y tế, các ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thành phố; thông báo địa chỉ các cơ sở y tế điều trị cúm A/H1N1, số điện thoại đường dây nóng để người dân biết, liên hệ và được hướng dẫn kịp thời.

Sở Giáo dục-Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục-Đào tạo; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, UBND các quận, huyện hướng dẫn giáo viên, học sinh các biện pháp phòng, chống dịch; chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó trong trường hợp dịch lây lan nhanh tại các trường học, cơ sở giáo dục; huy động học sinh tham gia các hoạt động cứu hộ, tuyên truyền chống dịch khi có sự điều động của Ban Chỉ đạo thành phố.

Sở Công thương chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức cho cán bộ, công nhân viên tại các nhà máy, xí nghiệp, đơn vị sản xuất trực luân phiên, bố trí cán bộ dự phòng bảo đảm duy trì các dịch vụ thiết yếu cho sinh hoạt hằng ngày như điện, nước, thực phẩm, xăng dầu… trong thời gian có dịch, đặc biệt là giai đoạn dịch lây lan nhanh.

Sở Giao thông vận tải tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cúm A/H1N1, phòng hộ cá nhân, biện pháp khử trùng trên các phương tiện vận tại đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không, đặc biệt là các phương tiện vận tải hành khách đến từ vùng có dịch.

Chủ tịch UBND các quận, huyện trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm về các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý. Đề nghị các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề… thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục-Đào tạo; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, UBND các quận, huyện hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cho giáo viên, sinh viên; huy động sinh viên tham gia các hoạt động cứu hộ, tuyên truyền chống dịch khi có sự điều động của Ban Chỉ đạo thành phố…
 
Ban chỉ đạo phòng, chống cúm A(H1N1) các trường học phải có nhân viên y tế

Đó là một nội dung quan trọng trong kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H1N1 trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trước thềm năm học mới.

Theo đó, đến ngày 5-8, các cơ sở giáo dục toàn thành phố đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo y tế trường học. Từ nay đến ngày học sinh nhập học, phòng y tế các trường phải trang bị sẵn một số phương tiện ứng cứu như kẹp nhiệt độ, khẩu trang đúng quy định của ngành y tế, niêm yết số điện thoại khẩn của những nơi cần phối hợp; tổng vệ sinh môi trường, đặc biệt là các khu nhà vệ sinh, chuẩn bị tốt các điều kiện vệ sinh cá nhân.

Các trường phải có phương án huy động học sinh tham gia cứu hộ, khi phát hiện học sinh có biểu hiện sốt cao phải cách ly ngay, tổ chức hướng dẫn cho 100% học sinh có biện pháp tự kiểm tra sức khỏe trước dịch cúm.

Ban Chỉ đạo Sở Giáo dục-Đào tạo phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị, sinh phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tham gia chống dịch; Ban Chỉ đạo Phòng Giáo dục-Đào tạo phối hợp với Trung tâm Y tế quận, huyện triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch cúm.

Năm nay, ngành Giáo dục-Đào tạo thành phố thống nhất chọn khẩu hiệu trước khai giảng: “Thầy và trò nhà trường sẵn sàng ngăn ngừa và khắc phục hậu quả đại dịch cúm A/H1N1”.

Học sinh, sinh viên cần đặc biệt theo dõi các biểu hiện nghi cúm A/H1N1

Đó là một trong những nhấn mạnh của bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố về công tác phòng, chống và ngăn ngừa cúm A/H1N1 lan vào trường học tại thành phố khi năm học mới sắp bắt đầu. 

Hiện nay, ngành y tế Đà Nẵng tiếp tục khuyến cáo các trường hợp là học sinh, sinh viên... đi từ vùng dịch ở nước ngoài hoặc tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội về Đà Nẵng nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng cần đến ngay bệnh viện Đà Nẵng để được giám sát, cách ly và xét nghiệm bệnh phẩm. “Học sinh, sinh viên, cán bộ, nhân viên công tác tại các trường học chủ động theo dõi sức khoẻ hàng ngày để phát hiện triệu chứng cúm.

Nếu có biểu hiện bệnh (sốt, ho, đau họng…) thì không nên đến trường, đồng thời gia đình thông báo cho Ban giám hiệu, y tế địa phương để được tư vấn. Nếu phát hiện triệu chứng cúm khi đang ở trường thì chủ động cách ly vào phòng riêng, thông báo cho Ban giám hiệu, cơ quan y tế tại trường học để xử lý kịp thời, tránh lây lan”- Bác sĩ nguyễn Út nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng vào chiều ngày 5-8, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Tôn Thất Thạnh cho biết, kết quả xét nghiệm bệnh phẩm của 4 trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1 tại Đà Nẵng chiều ngày 5-8 đều cho kết quả âm tính. Tuy vậy, đã có thêm 5 trường hợp nghi nhiễm khác đang được giám sát cách ly tại bệnh viện Đà Nẵng. Các trường hợp này có chung biểu hiện là sốt, ho, mệt mỏi cơ thể. Kết quả xét nghiệm các trường hợp này sẽ có trong hai ngày tới.

Bệnh nặng, cúm A/H1N1 nguy hiểm không kém cúm A/H5N1

Có những ca nhiễm cúm A/H1N1 biểu hiện rất nặng như viêm phổi nặng, thậm chí suy hô hấp cấp và suy đa tạng thì nguy hiểm không kém cúm A/H5N1, khả năng tử vong cao.Trong trường hợp này, sẽ phải điều trị giống như trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 nặng đã được Bộ Y tế ban hành. Đó là một trong những nội dung của phác đồ điều trị cúm A/H1N1 mới vừa được Bộ Y tế ban hành.

Theo phác đồ mới này, những trường hợp cúm A/H1N1 nặng có suy hô hấp sẽ phải cho người bệnh thở ôxy, thở máy. Đồng thời phải khám, phát hiện suy đa phủ tạng và điều trị (nếu có). Một điểm mới nữa của phác đồ điều trị cúm A/H1N1 mới, đó là về quy định thời gian ra viện. Trước đây, bệnh nhân dù hết sốt, đã âm tính cũng phải theo dõi tiếp trong bệnh viện, qua 7 ngày tính từ ngày điều trị mới được ra viện.

Quy định lần này linh hoạt hơn, ở những nơi không có xét nghiệm PCR để khẳng định âm tính hay chưa, thì chỉ cần sau điều trị hết sốt 3 ngày, tình trạng lâm sàng ổn định là được xuất viện. Còn ở các bệnh viện có xét nghiệm chẩn đoán thì sau khi hết sốt, hết biểu hiện cúm, bệnh nhân sẽ được làm xét nghiệm PCR lại vào ngày thứ tư và nếu âm tính, bệnh nhân sẽ được ra viện.

Trong trường hợp xét nghiệm lại vào ngày thứ tư mà kết quả vẫn cho dương tính sẽ được tiếp tục điều trị và xét nghiệm lại vào ngày thứ 6 để đánh giá xem có ra viện hay không hay vẫn phải điều trị tiếp.
 
Ngoài ra, phác đồ cũng hướng dẫn, để hạn chế lây nhiễm chéo cúm, tất cả người bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh cúm A/H1N1 phải mang khẩu trang khi ở trong buồng bệnh cũng như khi đi ra ngoài buồng bệnh; tăng cường rửa tay, vệ sinh cá nhân, vệ sinh hô hấp, súc miệng, vòm họng bằng các thuốc sát khuẩn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tránh tập trung đông người khi có dịch... để giảm nguy cơ mắc bệnh.


T.G - THU HOA - DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.