Muốn mua thực phẩm rẻ, không khó. Nhưng muốn dùng thức ăn sạch trong các quán ăn dù giá có đắt, lại là chuyện không dễ. Hằng năm, Thanh tra Sở Y tế dù có đi kiểm tra, xử phạt liên tục các điểm kinh doanh ăn uống, thực phẩm thì vẫn không ngăn được thức ăn bẩn “chạy” vào bụng hàng triệu người.
Muốn biết thực phẩm sạch hay bẩn, cứ tìm đến chợ. Kinh nghiệm không hề mới, nhưng nếu người dân còn thương cho sức khỏe của mình, từ nay chớ nên lạm dụng “cơm hàng cháo chợ”.
Thầu thịt, cá ôi
Trước khi P.V giơ máy ảnh lên, mớ đồ lòng và nội tạng heo được thả dưới nền chợ. |
Đà Nẵng, những ngày nắng nóng, hơn chục tấn thịt heo, thịt gà của các lò mổ bán ra không tiêu thụ hết. Có đi chợ vào sáng sớm mới thấy dân mình khoái ăn đồ nội tạng, ngon, hấp dẫn đấy, nhưng không hết băn khoăn về bệnh tật.
Các bác sĩ luôn cảnh báo, đồ nội tạng của con vật mang bệnh rất nguy hiểm cho người ăn, nhưng mấy ai để ý. Ngoài những hàng quán (gọi là mối quen) của những người bán hàng ở chợ, được cung cấp nguyên những bộ lòng, mề, huyết, tim gan, những người mua lẻ ít có cơ hội được chọn đồ tươi. Gặp buổi chợ ế, chắc nhiều người không tin mình đã ăn phải thịt để từ 3-5 ngày mà miếng thịt nhìn vẫn tươi rói.
Nghe nhiều người cung cấp thông tin về cả tá mặt hàng bẩn nhất tại chợ, chúng tôi không tin và tự mình đi mua hàng bẩn. Dễ hơn cả mua hàng tươi ngon. Bất cứ một chợ lớn nhỏ nào tại thành phố cũng đều tồn một lượng hàng lớn bán không hết sau một ngày. Cứ 7-8 giờ tối ra ngoài chợ và đặt vấn đề mua hàng hổ lốn về kinh doanh quán cơm, mồi nhậu, khách hàng được đón chào nhiệt tình. Một chị nghe chúng tôi thương lượng giá cả gần 20 ký thịt vừa mỡ vừa nạc đã vội nhẹ nhàng xuống giọng như thể sợ người mua đổi ý:
“Yên tâm đi, chị bán giá rẻ 1/3, được chưa? Không phải ngày mô chị cũng bán rứa mô. Nếu em là khách quen, chị khuyến mãi cho”. Sau một hồi “cưa kéo”, chị bán thịt buổi chiều tại chợ An Cư đồng ý giá chỉ 15-20 ngàn đồng/kg thịt ế. Sau này, cố lân la, chị bán thịt mới nói: “Đâu phải thịt chị ế dữ vậy em. Thường buổi chiều, mấy lô (hộ) lớn bán không hết mới dồn luôn cho chị. Mình lô nhỏ bán ít hơn họ, răng đủ kiếm lời, bán lại của họ còn có lời hơn”.
Chả cá, chả thịt, chả quế vẫn thường bày bán ở chợ, trên bề mặt cái mâm lúc nào cũng bóng nhẫy dầu mỡ, gia vị hành ớt. Tại chợ Bà Kỷ, chúng tôi gặp một phụ nữ (đoán chừng là chủ quán cơm) chỉ tay vào mớ cá ươn bạc mắt: “Đồ ươn hả, mấy…?”, rồi như đã quen thân, bà vứt ngay vào bìa chợ cho mấy người xay thịt cá: “Chút nữa lấy”. Những con cá trông thấy phát sợ. Cá nguyên con mổ sơ lấy lòng rửa qua một chậu nước mờ mờ đục ngoài chợ, rảy rảy cho ráo đưa vào cối xay. Những thứ đi kèm cho thêm mùi vị là mỡ thừa, cho vào xay lẫn.
“Công nghệ” chế biến
Liệu các hàng ăn ở vỉa hè như thế này có đảm bảo VSATTP? |
|
Lòng già, lá sách bò là nơi chứa phân không rửa sạch, “hôi ơi là hôi” nhưng cứ dùng bàn chải cọ quần áo cùng hóa chất đánh một lúc, sẽ bớt mùi thum thủm. Thấy chúng tôi thắc mắc về mùi thum thủm của phá lấu trên đường Trần Phú, chủ quán giải thích: “Đồ lòng phải có mùi đặc trưng rứa chứ?”. Các quán nhậu, chỗ nào bếp cũng chỉ 5-10m2. Thậm chí có nơi bếp nằm trong toilet.
Tối tối, khách vào gọi món lòng xào nghệ, mấy em gái lôi một bọc từ trong tủ đông ra mấy dây (dây lòng) bỏ phịch xuống nền xi-măng trong nhà tắm. Ai biết đấy là đâu? Hơn 50 quán nhậu vỉa hè được chúng tôi liệt vào danh sách kinh khủng nhất nằm ở khu ven biển đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Tất Thành.... Quán ở đây gần biển, xa nguồn nước máy, nước bơm, mỗi buổi tối thu nhập khoảng 2-5 triệu đồng, phục vụ 10-20 bàn nhựa, nhưng chỉ có vỏn vẹn 5 xô nước ngọt. Chỉ ưu tiên dành cho nấu món hải sản luộc, hấp. Trước đó, lấy nước đã rửa ly, chén để rửa hải sản.
9 giờ sáng, ghé vào một quán cơm sinh viên trên đường Nguyễn Lương Bằng, chúng tôi phát hoảng vì mùi hôi thối bốc ra từ miệng cống và nhà vệ sinh. Khắp khu tường nhà bếp, lớp mạng nhện đen kịt, rổ rá bày bừa bộn, những khối rau thừa, cơm cặn vương vãi trên nền đất rất nhếch nhác. Đang loay hoay vật lộn với một đống rau, thịt, lòng lợn và huyết chỏng chơ ngay dưới nền xi-măng nham nhở lênh láng nước mỡ, bị lũ ruồi nhặng bu kín giữa thời tiết oi bức, bà chủ quán ngước lên trả lời một câu ngắn gọn: “11 giờ mới có cơm”.
Chưa đến 11 giờ mà quán cơm gần khu vực Trường Đại học Bách khoa đã chật kín khách. Trong cửa hàng chưa đầy 20m2, chỉ có bà chủ quán và một người giúp việc khoảng 40 tuổi đang vã mồ hôi phục vụ khách. Trên chiếc tủ đựng thức ăn, bụi và mỡ bám thành một lớp đen kịt ở các góc. Bên trong là những chiếc chậu nhựa, đĩa nhựa đựng các món ăn đã chế biến.
Thi thoảng, đám ruồi nhặng “lượn” quanh, trong khi đó, người giúp việc tay chân cáu bẩn rửa bát đũa theo kiểu “siêu tiết kiệm”: nhúng qua chậu nước vừa rửa rồi lau khô cho kịp quay vòng phục vụ khách. Trên bàn ăn, những đôi đũa mốc thếch, ẩm ướt. Thế mà đến giờ ăn, quán nào quán nấy chẳng có chỗ chen chân. Bà bán quán cơm sau Trường Đại học Kinh tế, hầu như ngày nào cũng mua đồ ôi về bán vì nhờ vậy bà tiết kiệm được một khoản tiền.
Một đĩa cơm khoảng 10 nghìn đồng dù bỏ nhiều thức ăn một tí, bà vẫn lời đáng kể. Mấy cô cậu sinh viên ngày nào cũng ra ăn, có đứa thấy bẩn thì “nhắm mắt đưa chân” vì “không ăn ở đây, biết ăn chỗ nào?”. Một lần do mất điện, không nấu cơm, bà bán cho tôi một đĩa cơm thịt, vừa mới xúc vài miếng đã phải nôn ngay vì thịt thối. Cô bé làm ở tiệm uốn tóc gần quán cơm như vẻ thông cảm: “Em ăn hai lần đều bị như rứa rồi chị ơi.
Chiều mô bả chẳng đi nhặt hàng ươn tồn lại ở chợ Bắc Mỹ An. Một vốn bốn lời”. Những miếng thịt kho tàu được “nhuộm” màu đỏ của nước đường thắng và ngũ vị hương. Nếu chỉ nấu toàn thịt ôi sẽ bị phát hiện, nên các quán bằm lẫn thịt cũ với thịt mới để đổ chả và cuốn nem. Không thể phát hiện ra thịt thối, nếu không một lần ôm bụng…
Bài và ảnh: DUYÊN ANH