.

Hành trình thực phẩm bẩn - Bài 2: Có thương cái thân mình?

.

Bài thuốc trị bệnh thực phẩm bẩn của cơ quan chức năng vẫn không hiệu nghiệm một phần vì thói quen ăn uống quá xuề xòa, dễ dãi của người dân.

Thanh tra Sở Y tế thành phố đi kiểm tra các điểm kinh doanh trà sữa trân châu.

Sáng nào trước cổng KCN Hòa Khánh cũng đầy rẫy những quán xá di động phục vụ đồ ăn thức uống cho công nhân trước giờ vào ca. Xôi, bánh mì, bún, bánh ướt... bày bán tràn ra cả lòng đường, mặc cho các loại xe ầm ào chạy qua, đem theo cả mớ bụi bay mịt mù. Cũng vì cái thói quen gặp gì mua nấy của mấy cô cậu công nhân mà nhiều bữa họ phải xin quản đốc nghỉ giữa giờ vì... đau bụng.
 
Một địa chỉ ăn uống không thua kém về độ bẩn là những quán cơm “bụi” sinh viên như chính tên gọi của nó. Chúng tôi xin dẫn chứng trường hợp mới đây, tại khu xóm trọ tổ 11, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, chủ nhà trọ phải tức tốc đưa hai sinh viên đến ngay Trung tâm Y tế quận vì ngộ độc do ăn phải thức ăn để từ ngày hôm trước tại quán cơm bình dân trên đường Ngô Sĩ Liên, gần Trường Đại học Bách khoa. 

Mặc dù theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm Đà Nẵng, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trên 30 người, đây là điều đáng mừng nhưng cũng chưa hết lo. Bởi trong đó, những vụ ngộ độc lẻ tẻ xảy ra thì thống kê không hết. Đơn cử như vụ ngộ độc thực phẩm tại tiệm bánh mì của bà Lê Thị Nghĩa, trú tổ 17, An Mỹ, An Hải Tây, quận Sơn Trà đã làm 7 người phải đi bệnh viện.

Tuy không có tử vong, nhưng những gì mà cơ quan chức năng công bố cũng làm nhiều người giật mình: trong các mẫu bánh mì và nhân bánh đã phát hiện có nhiễm E.Coli trong thịt chà bông và sốt trứng gà. Chỉ từng đó mẫu thực phẩm đã có “vấn đề”, chưa nói đến những đồ ăn thức uống không có nguồn gốc hoặc hết hạn sử dụng như các loại sữa chế cà-phê, sữa đá, trà trân châu... Những quán xá được cho là bảo đảm nhất (có giấy chứng nhận VSATTP) vẫn xảy ra tình trạng thực khách bị ngộ độc.

Một chị bạn đang mang bầu ở tháng thứ 4, cũng do cái bệnh thèm cơm hến đã “làm hẳn hai tô”, đến tối về bụng bắt đầu trở chứng, tới 2 giờ sáng phải sang Trung tâm Y tế Sơn Trà cấp cứu gấp gáp. Tuy tính mạng người mẹ và đứa bé trong bụng vẫn an toàn, nhưng nỗi khiếp sợ về “cơm hàng cháo chợ” khiến chị nhủ lòng từ nay sẽ không bao giờ nhớ đến cơm hến. Nguyên nhân được các bác sĩ xác định là do hến sống ở ven sông bị ô nhiễm nguồn nước.

Được biết, trung bình mỗi ngày không kể các bệnh viện lớn, các Trung tâm Y tế tuyến quận, huyện tiếp nhận từ 3-5 ca ngộ độc thực phẩm trở lên, những bệnh nhân cấp cứu với triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đi tiêu chảy nhiều lần dẫn đến mất nước, có nguy cơ gây tử vong. Đó là những trường hợp người nhà cẩn thận đưa đi điều trị kịp thời.

Đáng nói hơn, số người bị ngộ độc thực phẩm do ăn uống mất vệ sinh gặp những triệu chứng trên thường chủ quan, tự mua thuốc uống, chỉ đến khi trầm trọng mới nhập viện. Truyền thông về sức khỏe khuyến cáo người dân: Bệnh tiêu chảy cấp thường xảy ra sau khi người bệnh ăn phải các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh. Tiêu chảy do vi khuẩn có thời kỳ ủ bệnh từ vài giờ đến 5 ngày. Khởi phát biểu hiện bằng sôi bụng, đầy bụng, tiêu chảy vài lần. Sau đó, bệnh nhân bị tiêu chảy liên tục, nôn rất nhiều lần.

Một ca cấp cứu tại bệnh viện do ngộ độc thực phẩm. (Ngộ độc tại KCN Điện Nam-Điện Ngọc).

 

Với khẩu hiệu “sạch từ trang trại đến bàn ăn” vẫn là mục tiêu “trong mơ” đối với người dân vì họ chưa được bảo vệ. Đà Nẵng chưa có vùng rau sạch bền vững, chưa có đơn vị chuyên kinh doanh rau sạch, dư lượng kháng sinh, hoóc-môn tăng trọng, chất bảo quản trong thịt và sản phẩm thịt, hải sản chưa được kiểm soát... trong khi đó, người sản xuất, chế biến ngày càng gia tăng quá nhiều lượng hóa chất độc hại trong các sản phẩm phục vụ cho đời sống con người.

Ăn uống vệ sinh, chế biến thức ăn bảo đảm vệ sinh, chuyện tưởng chừng đã quá quen thuộc với tất cả mọi người nhưng thực tế, nhiều người quá chủ quan, xem thường sức khỏe của mình. Những tưởng cứ đau là đến bệnh viện, điều trị thuốc men rồi sẽ khỏi, nhưng nhiều người vẫn không nhận thức đúng tầm quan trọng trong việc giữ gìn vệ sinh ăn uống dẫn tới các bệnh nan y về sau.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.