.

Huyết áp thấp

Huyết áp thấp là tình trạng mà các trị số huyết áp tối đa và tối thiểu đều thấp hơn so với bình thường. Tổ chức Y tế thế giới (WHO/OMS) định nghĩa huyết áp thấp là khi trị số huyết áp tối đa (còn gọi là huyết áp tâm thu) < 90 mmHg và huyết áp tối thiểu (còn gọi là huyết áp tâm trương) < 50 mmHg.

Các công trình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người mắc bệnh huyết áp thấp là 5% và thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn là nam giới, nhất là ở độ tuổi dậy thì, sau sinh hoặc thời kỳ mãn kinh. Tụt huyết áp xảy ra khi có các yếu tố thuận lợi như bị stress, làm việc quá sức, mất ngủ, ăn uống kém, tụt cân.

Nhìn chung, những người bị huyết áp thấp vẫn có một cuộc sống bình thường. Các biểu hiện thường gặp ở người bị huyết áp thấp là chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi, buồn nôn, độ tập trung giảm. Khi thay đổi tư thế có thể cảm giác choáng váng và thậm chí là ngất xỉu. Nếu các biểu hiện trên xảy ra thường xuyên thì chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng một cách rõ rệt. Người bị huyết áp thấp dễ có nguy cơ tụt huyết áp và bị nhồi máu não (một thể của bệnh tai biến mạch máu não). Tỷ lệ người bị nhồi máu não do huyết áp thấp chiếm khoảng 30%.

Nghỉ ngơi là yếu tố quan trọng cần cho người huyết áp thấp còn hơn cả thuốc men. Người bệnh được khuyên ăn uống điều độ, đầy đủ các chất dinh dưỡng và ăn mặn hơn những người bình thường khác. Rèn luyện thể lực phù hợp với khả năng như tập yoga, đánh cầu lông, đi bộ... Nếu ăn kém sẽ thiếu chất, tụt cân và gây tụt huyết áp.
 
Đây là một vòng luẩn quẩn. Do vậy, nếu không cảm thấy ngon miệng cũng phải cố mà ăn cho cơ thể có năng lượng hoạt động, nhất là chọn các món ăn ưa thích. Bổ sung các vitamine tổng hợp qua đường uống (viên One daily) dùng hằng ngày. Cà phê, trà đường nóng hoặc các loại trà hòa tan có nguồn gốc thảo (như trà Acotea) giúp phục hồi sinh khí, điều hòa nhịp tim và cải thiện tốt tình trạng huyết áp.

Ths.Bs. MAI HỮU PHƯỚC

;
.
.
.
.
.