(ĐNĐT) - Việt Nam đã có ca tử vong đầu tiên vì nhiễm cúm A/H1N1. Đây không phải là chuyện bất thường theo nhận định của các chuyên gia y tế, song nó đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm của dịch cúm và kêu gọi toàn xã hội nhanh chóng vào cuộc.
Đeo khẩu trang là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa dịch cúm. (Ảnh chụp tại ga Đà Nẵng) - Ngô Đồng
Làm việc ở bộ phận giao dịch của ngân hàng, thường xuyên tiếp xúc với nhiều đối tượng, nên chị Vân và những người trong đội đã đề xuất lãnh đạo được trang bị khẩu trang y tế (loại bằng giấy thông thường) để bản thân sử dụng và phát cho cả khách hàng, tuy nhiên kế hoạch này xem ra khó thực hiện, vì không có khẩu trang để mua.
Chuyển địa điểm sang một công ty kinh doanh thiết bị vật tư y tế trên đường Hải Phòng, phía trước Bệnh viện Đà Nẵng, với cùng một yêu cầu mua khẩu trang chống cúm số lượng lớn, chúng tôi cũng chỉ nhận được cái lắc đầu, theo lý giải của giám đốc công ty này, việc khẩu trang y tế khan hiếm là do các nước trên thế giới cũng đang “sốt” khẩu trang vì dịch cúm, nên thiếu nguyên liệu nhập về Việt Nam để sản xuất.
Bên cạnh đó, theo một số chủ quầy thiết bị y tế khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đây là thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới, nên các trường học, đặc biệt là các trường mầm non đổ xô đi "gom" khẩu trang để trang bị cho học sinh, dẫn đến tình trạng "cháy" hàng tạm thời, "chứ người dân thì vẫn còn lơ là lắm, một ngày có khi chỉ khoảng vài người đến hỏi mua khẩu trang chống cúm, đa số họ đều đợi cơ quan phát cho đỡ tốn kém", một dược sĩ nói thêm.
Dù sức mua của người dân thành phố Đà Nẵng còn rất thấp, nhưng giá khẩu trang ở đây đã tăng lên ồ ạt trong thời gian qua, thậm chí, tại cùng một cửa hàng, nhưng khác giờ mua và khác người bán, giá cả cũng chênh nhau đến chóng mặt. Điều này khiến người tiêu dùng rất hoang mang, Anh Phan Thanh Hùng (phường Hòa Khê) bức xúc nói: “Hôm trước anh mới mua một chiếc khẩu trang N95 với giá 55.000 đồng, giờ đã lên đến 85.000 đồng, mua khẩu trang mà cũng phải mặc cả như mua đồ ngoài chợ”.
Loạn chủng loại, nhà sản xuất, giá cả, mẫu mã, đó là tình trạng chung của thị trường khẩu trang chống cúm hiện nay. Chị T.Hoa, nhân viên một công ty quảng cáo, thắc mắc: “Thật sự đến giờ, mình vẫn chưa thấy những khuyến cáo cụ thể nào của các cơ quan y tế về việc dùng khẩu trang chống cúm cho phù hợp, liệu người tiêu dùng có yên tâm dùng loại khẩu trang bình thường, giá thấp, khi mà có quá nhiều loại khác được quảng cáo là ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập cực tốt, được bán với giá cao ngất ngưỡng? Không biết trong thời gian đến, khi mọi người bắt đầu có ý thức đeo khẩu trang ở nơi công cộng, thì giá của mặt hàng này còn bị đẩy lên đến đâu, và liệu cung có đủ đáp ứng cho cầu".
Cơ quan, doanh nghiệp “rục rịch” phòng ngừa
Nhiều người dân vẫn còn "lơ là" khi đến những nơi công cộng. Ảnh: Xuân Duyên
Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đề ra những biện pháp để phòng ngừa dịch cúm A/H1N1. Trong đó, Sở GD – ĐT thành phố vừa thành lập Ban chỉ đạo công tác y tế trường học để tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng chống dịch cúm cho học sinh và giáo viên, đồng thời thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh môi trường lớp học, trường học, an toàn thực phẩm...
Ông Trần Thành Quý, Giám đốc quản lý khách sạn Sunriver, bày tỏ băn khoăn: “Tiêu chí quan trọng nhất của ngành dịch vụ là tạo cho khách một tâm lý thoải mái nhất, thử hỏi khi họ bước vào một khách sạn, nhìn thấy tất cả các nhận viên đều mang khẩu trang bịt bùng, họ sẽ nghĩ gì về môi trường du lịch nơi đây?”. Chính từ tâm lý này, hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, chưa có khách sạn nào (đặc biệt là các khách sạn lớn, tiếp nhận nhiều khách quốc tế) áp dụng các biện pháp phòng chống cúm như trong khuyến cáo của Bộ Y tế, mà nguyên nhân chính như ông Quý nói: “Có làm thì cũng phải đồng bộ, nếu không sẽ rất dễ gây hiểu lầm và tạo ra tâm trạng căng thẳng cho khách”.
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, theo sự chỉ đạo của Tổng cục Du lịch, trong thời gian đến, sở sẽ nhanh chóng ban hành những hướng dẫn về công tác đối phó với dịch cúm đến công ty du lịch trên địa bàn thành phố, song, "chủ trương của sở là không làm thái quá, không gây hoang mang cho khách du lịch".
Theo thông tin từ Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, trong thời gian đến , ngành Y tế cũng sẽ tiến hành gởi các thông báo và khuyến cáo phòng, chống dịch cúm A/H1N1 đến đơn vị quản lý các cao ốc như khách sạn, tòa nhà, văn phòng cho thuê, trung tâm dịch vụ thương mại, khu giải trí...trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Theo đó, các cao ốc cần chủ động hơn trong công tác phòng dịch như trang bị khẩu trang cho nhân viên, thường xuyên vệ sinh, sát khuẩn môi trường làm việc...
Ngô Đồng