.

Nỗi lo thực phẩm nhiễm độc

.

Vì quá thờ ơ, sự thiếu hiểu biết hay do lợi nhuận cao nên nhiều chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm đã phớt lờ trước những quy định nghiêm ngặt của pháp luật đối với loại hình kinh doanh thực phẩm. Những vi phạm gần đây khiến nỗi lo thực phẩm mất an toàn lúc nào cũng ngay ngáy đối với người dân. 
           
Kinh doanh kiểu“3 không”

Nhiều người tiêu dùng đã chọn giải pháp an toàn là tin tưởng vào những thương hiệu kinh doanh thực phẩm lớn như Metro Đà Nẵng hay Big C.TRONG ẢNH: Người dân mua thực phẩm tại Metro Đà Nẵng.

Không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và người lao động không được tập huấn kiến thức vệ sinh thực phẩm, kiểm tra sức khỏe nhưng chủ cửa hàng vẫn ngang nhiên mở quán bày bán thực phẩm là thức uống có sữa, một trong 10 nhóm thực phẩm cần được quản lý chặt theo quy định của Bộ Y tế.

Chỉ đến khi lực lượng thanh tra Chi cục ATVSTP thành phố đến kiểm tra một cơ sở kinh doanh trà sữa trân châu tại số 93 Lê Độ, quận Thanh Khê cách đây vài ngày mới phát hiện và lập biên bản về kinh doanh theo kiểu “3 không” này. Theo cách nói ví von của một cán bộ thanh tra trực tiếp thị sát cơ sở này thì chủ cơ sở đã “khá ngây thơ” khi nói rằng mình chưa hiểu hết luật và những quy định đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm.

Chưa hiểu luật đã đành, nhưng những quy định sơ đẳng như mua bán có hóa đơn, chứng từ, sản phẩm có nguồn gốc phải lưu giữ. Thế nhưng, mọi hóa đơn, chứng từ về thực phẩm nhập khẩu, nguồn gốc sản phẩm dùng để pha chế trà sữa trân châu, chủ quán đều không giữ.
 
Chưa nói đến chuyện trà sữa trân châu nhập từ Trung Quốc có chứa polymer như dư luận lâu nay xôn xao, bàn tán, chỉ riêng chuyện “kinh doanh chui” của cơ sở kể trên cũng cho thấy độ an toàn thực phẩm đáng lo đến mức nào. Bởi, ai dám chắc thứ nước uống được pha chế thơm ngon, bắt mắt đó lại không chứa những độc tố là phẩm màu cấm, thực phẩm quá hạn... mà đối với người tiêu dùng chỉ biết thưởng thức theo kiểu ngon, ngọt, hấp dẫn, chứ chưa định lượng được mức độ an toàn của từng ly sữa mình đang uống.

Nỗi lo hậu kiểm

Đầu tháng 7 vừa qua, trên địa bàn quận Cẩm Lệ xảy ra vụ 13 công nhân bị ngộ độc thực phẩm tại một doanh nghiệp trong khu công nghiệp Hòa Cầm. Kết quả xét nghiệm bệnh phẩm, bữa cơm trưa gồm gà tẩm bột chiên, canh sườn, đậu xào bị nhiễm khuẩn gây ngộ độc. Mặc dù đây chỉ là vụ ngộ độc thức ăn tập thể khá hiếm hoi trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhưng sự việc này khiến ngành chức năng thêm nỗi lo về ATVSTP hiện nay.

Sau sự việc này, chính những người làm công tác quản lý ATVSTP cũng phải thừa nhận rằng, bếp ăn tập thể và các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp trên địa bàn thành phố hiện nay cần phải được rà soát, chấn chỉnh để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến người lao động. Một số bếp ăn tập thể tuy đã được thẩm định, cấp giấy đủ điều kiện ATVSTP nhưng khi tiến hành hậu kiểm, nhiều nơi vẫn vi phạm hoặc cố tình vi phạm vì nhiều lý do khác nhau. 

Theo số liệu từ Chi cục ATVSTP thành phố, tính đến ngày 30-6, mới có 81,4% trong tổng số 7.862 cơ sở toàn thành phố được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, trong đó loại hình sản xuất thực phẩm đạt 78,8%, dịch vụ ăn uống 88,3% và kinh doanh thực phẩm 30,2%. Những con số này cho thấy vấn đề quản lý Nhà nước trên lĩnh vực ATVSTP của thành phố đang ngày càng đi vào nền nếp.
 
Tuy nhiên, thời gian gần đây lại liên tiếp phát hiện những vi phạm về ATVSTP trong những đợt kiểm tra, nhất là trong “Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP năm 2009” đã có 45 cơ sở bị phát hiện và xử phạt vi phạm, với số tiền 116 triệu đồng. Qua các số liệu trên cho thấy, vấn đề hậu kiểm sau khi cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP cần phải thực hiện nghiêm túc. Nếu kiểm tra kỹ lưỡng, rất nhiều vi phạm sẽ được phát hiện. Do vậy, nếu không thực hiện nghiêm túc, chuyện ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP thành phố cho rằng, lo lắng nhất hiện nay là an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể. Bởi quy mô một bữa ăn trong các doanh nghiệp từ hàng trăm đến cả nghìn người; nếu không quản lý để ngộ độc xảy ra thì rất nguy hiểm.
 
Theo ông Tiến, ngay sau đợt kiểm tra các cơ sở kinh doanh trà sữa trân châu, Thanh tra Chi cục ATVSTP thành phố sẽ tiến hành kiểm tra bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp và khu chế xuất, sau đó là những bếp ăn tập thể trong trường học, nhằm giảm thiểu ngộ độc tập thể xảy ra hàng loạt trong năm học 2009-2010.

Rõ ràng, chấn chỉnh công tác kiểm tra ATVSTP là điều rất cấp bách và cần thiết hiện nay, bởi một khi lơ là ở một nơi hay một khâu nào đó sẽ dẫn đến nguy hiểm tính mạng của con người.     
        
Bài và ảnh: DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.