Cuộc sống của những người làm công tác y tế vốn đã nhiều bận rộn, vất vả, nay khi dịch cúm tràn qua, những khó khăn, vất vả ấy lại càng thêm chồng chất. 24 tiếng đồng hồ trong 1 ngày, 7 ngày trong 1 tuần, ngoại trừ khoảng thời gian ít ỏi cho những giấc ngủ chập chờn và bữa cơm ăn vội, họ dành trọn vẹn cho công việc, dù không phải lúc nào cũng nhận lại được sự cảm thông và chia sẻ.
Lỡ bữa cơm, giấc ngủ là chuyện thường
Ở đâu có cúm, ở đó có chúng tôi. Ảnh: V.DŨNG |
Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) thành phố Đà Nẵng, kể: Đội cơ động phòng chống dịch của khoa gồm 12 người chia làm 2 đội, thay phiên nhau túc trực để kịp thời “lên đường” khi có tin báo từ các cơ quan và người dân về những trường hợp nghi nhiễm cúm, có ngày cao điểm phải làm việc liên tục, nhiều anh em trong đội còn không nhớ hôm nay mình đã ăn cơm mấy bữa.
Về phần mình, từ khi xảy ra dịch cúm A/H1N1, bác sĩ Lãm hầu như không có thời gian dành cho gia đình, mọi công việc từ lớn đến nhỏ đều giao vào tay vợ. “Thương vợ, thương con, nhưng công việc là trên hết, bảo vệ mọi người trước dịch cúm cũng chính là đang bảo vệ những người thân của mình, cứ nghĩ vậy công việc sẽ thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều”, bác sĩ Lãm tâm sự.
Cùng hoàn cảnh, bác sĩ Nguyễn Thị Nhựt, nhân viên Phòng Vi sinh, Khoa Xét nghiệm tổng hợp, TTYTDP thành phố, chia sẻ: “Công việc của mấy chị em trong phòng là trực tiếp lấy mẫu bệnh phẩm (gồm máu và dịch hầu họng) của bệnh nhân nghi nhiễm cúm, xử lý mẫu trước khi gửi đi xét nghiệm, nên hễ lúc nào có bệnh nhân được cách ly là mình phải có mặt ngay, không được chậm trễ, việc lỡ bữa cơm, giấc ngủ là chuyện bình thường”.
Một nhân viên trong phòng kể thêm: “Có hôm đang nằm trên giường, nghe điện thoại reo là vùng chạy, không để ý thời gian, đến khi làm xong xuôi quay về đã thấy kim đồng hồ chỉ 4 giờ sáng, không dám ngủ tiếp mà lo đi chuẩn bị sẵn đồ ăn, thức uống. Từ ngày làm công việc phòng chống cúm, mình quý từng giây từng phút được rảnh rỗi và luôn tận dụng hết mức để bù đắp lại cho gia đình”.
Cả 5 nhân viên Phòng Vi sinh đều là nữ, trong đó có hai người đã qua tuổi 50, nhưng vẫn rất “sung” trong công việc. Thiệt thòi nhất là chị Trần Thị Kim Oanh, mang thai đúng vào lúc “nước sôi lửa bỏng”. Chị Oanh tâm sự: “Mình cũng hơi lo lo, vì đây là khoảng thời gian được khuyến cáo không nên có em bé, cũng may được cơ quan tạo điều kiện tham gia công việc gián tiếp, để bảo đảm sức khỏe cho cả mẹ và con, nên cũng yên tâm hơn”.
Các bác sĩ, nhân viên điều dưỡng thuộc đội chống cúm Bệnh viện Đà Nẵng cũng có nhiều kỷ niệm “đáng nhớ” trong quá trình tham gia khám và điều trị cho các bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm cúm A/H1N1 đã được cách ly. Một bác sĩ trong đội kể câu chuyện vui: Có hôm cả đội đang ăn cơm, nghe tiếng chuông báo có bệnh nhân đến khám, thế là bỏ dở bữa, vội vã thay quần áo, đeo dụng cụ bảo vệ để xuống khu cách ly, nhưng khi tới nơi thì hóa ra chuông báo nhầm.
Nhưng ngặt nỗi, quy trình đi từ nơi làm việc đến phòng khám là khép kín, cả kíp vẫn phải đi cho hết một vòng, làm đủ các khâu thay đồ, tắm, vệ sinh kỹ càng mới có thể quay lại chỗ làm việc, và lúc trở về thì hộp cơm đã nguội từ lâu.
Học cách sống chung với cúm
Xử lý mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1. Ảnh: N.Đồng |
|
Một nhân viên trong Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm, TTYTDP thành phố kể chuyện: “Mình làm nhiệm vụ tư vấn cho người dân về dịch cúm, một ngày có khi trả lời mấy chục cuộc điện thoại, nhiều người dù không tiếp xúc với vùng dịch, nhưng thấy có biểu hiện ho, đau họng cũng gọi đến hỏi, mình vừa giải thích, vừa phải trấn an để họ yên tâm hơn. Ăn nhanh, uống nhanh, điện thoại mở 24/24 giờ, xe lúc nào cũng phải đầy xăng, không được ngủ quá say..., đó là những thói quen mà các nhân viên phòng chống cúm tự đề ra cho mình.
Điều “kinh khủng” nhất với những người làm công tác chống cúm là bộ đồ bảo hộ. “Một ngày, có khi phải thăm khám mười mấy lượt bệnh nhân, mỗi lần như vậy chúng tôi đều phải mặc đồ chống cúm, đội mũ, đeo 2 lớp bao tay..., và tất cả đều làm bằng chất liệu ni lông, gặp ngày nắng nóng mồ hôi chảy ướt đẫm cả người”, một nhân viên Bệnh viện Đà Nẵng cho hay.
Và sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân trở về, các nhân viên đều phải tắm gội, làm vệ sinh kỹ càng, thậm chí phải rửa tay bằng cồn để bảo đảm an toàn. “Có lẽ các nhân viên chống cúm đạt kỷ lục về số lần tắm trong ngày”, một bác sĩ của TTYTDP nói.
Không ít nhân viên tham gia công tác phòng chống cúm rơi vào tình trạng bị chồng giận, con dỗi, bị bạn bè, hàng xóm “né” vì sợ lây bệnh, nhưng đã xác định được tính chất quan trọng của công việc, nên không ai nản lòng, “Bù lại, cùng nhau vượt qua những vất vả, khó khăn trong công việc, chia sẻ niềm vui nỗi buồn, mọi người trong đội lại càng khăng khít, gắn bó với nhau hơn”, chị Nhựt bày tỏ.
Dẫu biết những nhân viên phòng chống cúm luôn tự nguyện trong công việc, sẵn sàng đi sớm, về khuya, tiếp xúc trực tiếp với nguồn dịch, để ngăn ngừa tình trạng dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, nhưng nếu có thêm nhiều sự cảm thông, chia sẻ, trợ giúp của gia đình, bạn bè và các cơ quan chức năng, thì hẳn những nhọc nhằn trong công việc của họ sẽ vơi đi rất nhiều.
NGÔ ĐỒNG
Thêm 35 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 |