.
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 1816

Những tín hiệu lạc quan

.

Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là một chủ trương lớn của ngành Y tế, đã được Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26-5-2008 (gọi tắt là Đề án 1816) và được triển khai thực hiện từ cuối năm 2008. Qua gần một năm triển khai tại thành phố Đà Nẵng, Đề án đã đạt những kết quả tích cực.

Các bác sĩ tuyến quận, huyện luôn muốn tìm cơ hội để tiếp cận với những phương pháp phẫu thuật hiện đại. TRONG ẢNH: Chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật mắt tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo thống kê sơ bộ của ngành Y tế thành phố, đến nay, tất cả các quận, huyện đã triển khai Đề án 1816. Toàn ngành có hàng trăm lượt bác sĩ về các tuyến dưới thực hiện chuyển giao các kỹ thuật khám và điều trị bệnh.

Ngành Y tế lấy Bệnh viện Đà Nẵng làm “đầu tàu” trong việc “cầm tay chỉ việc” để chuyển giao các kỹ thuật cho tuyến dưới như: mở các lớp tập huấn, giới thiệu kỹ thuật siêu âm sản phụ, phẫu thuật nội soi xoang, hồi sức cho nhi sơ sinh và kỹ thuật hồi sức cấp cứu cho các tuyến quận, huyện.

Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã hỗ trợ Trung tâm Y tế quận Hải Châu chuẩn bị các bước, kỹ thuật khám, chẩn đoán và điều trị cho nhi sơ sinh để Bệnh viện Hải Châu tiến đến thành lập khoa Nhi sơ sinh; chuyển giao kỹ thuật gây mê cho Bệnh viện Ngũ Hành Sơn; Bệnh viện Lao và bệnh phổi về kỹ thuật mở khí quản và dẫn lưu màng phổi; hướng dẫn Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ kỹ thuật ngoại khoa như mổ kết hợp xương chày bằng nẹp vít, các chuyên khoa tai mũi họng, răng hàm mặt…
 
Các kỹ thuật này được thực hiện theo phương pháp vừa thực hiện mẫu, vừa hướng dẫn từng bác sĩ tuyến dưới thực hiện cho đến khi thành thạo. Qua các bước hỗ trợ chuyển giao, đến nay nhiều bệnh viện quận, huyện đã có thể thực hiện các ca phẫu thuật trung phẫu khá phức tạp, không cần sự hỗ trợ của bác sĩ tuyến trên như trước đây.

Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, hiện nay nhu cầu chuyển giao kỹ thuật của tuyến dưới rất lớn, trong lúc Bệnh viện Đà Nẵng luôn trong tình trạng quá tải, nhiều bác sĩ được điều động điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 nên công tác chuyển giao cho tuyến dưới phải thực hiện theo từng giai đoạn.

Đối với việc cử bác sĩ ngược lên tuyến trên trau dồi nghiệp vụ, tiếp cận các loại thiết bị y tế hiện đại, theo bác sĩ Nguyễn Trọng Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Hải Châu, Sở Y tế nên khảo sát thực tế các điều kiện cần và đủ tại các bệnh viện, trạm y tế tuyến dưới để có kế hoạch tổ chức thường xuyên nhằm đáp ứng yêu cầu tuyến dưới, bởi hiện nay nhiều bệnh viện tuyến quận, huyện vừa thiếu bác sĩ lẫn trang thiết bị.         
   
Thời gian qua, nhiều bác sĩ tăng cường xuống Trạm Y tế để khám bệnh, tham gia hướng dẫn cán bộ Trạm Y tế sử dụng các thiết bị như máy điện tim, máy khí dung, hướng dẫn sử dụng các phác đồ điều trị các bệnh tả, sốt xuất huyết, cúm A… bước đầu đã có kết quả. Trong gần 1 năm qua, đã có 28 Trạm Y tế được tăng cường bác sĩ, chuyển giao kỹ thuật cơ bản trong chẩn đoán và điều trị.

Riêng Bệnh viện Ngũ Hành Sơn, kể từ ngày 1-1-2009, 4 bác sĩ của bệnh viện thường xuyên xuống tăng cường đứng cánh tại 4 Trạm Y tế phường, trong đó có cả Phó Giám đốc bệnh viện. Nhờ thực hiện tốt Đề án 1816, 6 tháng đầu năm 2009, số lượt người bệnh đến khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã, phường có chiều hướng tăng. Đây chính là tín hiệu vui, người bệnh đã có niềm tin vào tuyến y tế cơ sở.

DIỆU MINH

 

;
.
.
.
.
.