.
TƯ VẤN SỬ DỤNG THUỐC

Sáng tạo của Bệnh viện Đà Nẵng

.

Thuốc là hóa chất dùng để điều trị, chữa lành, ngăn ngừa hoặc để chẩn đoán bệnh, hoặc dùng để nâng cao thể lực và trí lực. Các sinh chất vốn có trong cơ thể nhưng được đưa thêm từ ngoài vào cũng được gọi là thuốc, ví dụ: các hóc-môn insulin, steroid.., các chiết xuất từ máu, chất đạm, chiết xuất nhau thai, tổ chức gan...

 

Vì thuốc là hóa chất và đa số có nguồn gốc ngoại lai hoặc được tổng hợp “mới”, vốn xa lạ với các sinh chất trong cơ thể; cho nên khi dùng thuốc dù đúng bệnh, đúng cách, đúng liều… ít nhiều cũng có thể gây ra những “tác dụng ngược” (adverse drug reactions, ADRs) không mong muốn. Cũng có nhiều  từ  khác được dùng với ý nghĩa gần tương đương như:
 
tác dụng phụ (side effect), tác dụng không mong muốn (unwanted, unpleasant, undesirable) hay tác dụng có hại (harmful, noxious); nhưng hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên thống nhất dùng từ tác dụng ngược, (ADRs), vì từ này chính xác hơn cả về y tế lẫn về học thuật. Theo WHO định nghĩa “ADRs là những tác dụng có hại xảy ra ngoài ý muốn khi dùng một thứ thuốc đúng liều lượng, đúng cách dùng để chữa bệnh, phòng bệnh hoặc chẩn đoán bệnh”. Cần lưu ý là dùng quá liều lượng thuốc do khách quan hay chủ quan đều được gọi là ngộ độc thuốc, không thuộc nhóm ADRs.

Ở Mỹ hằng năm có 3-7% số bệnh nhân nhập viện là do ADRs, và bệnh nhân nằm viện có 10-20 % số bệnh nhân bị ADRs. 

Theo nguyên nhân ADRs được chia 2 típ (type): (1) ADRs típ A rất hay xảy ra, chiếm 80-90% tổng số, có liên quan đến tác dụng dược lý của thuốc, nên có thể dự đoán được, ví dụ heparin có tác dụng chống đông máu có thể gây ra xuất huyết, thuốc chống dị ứng có thể gây buồn ngủ… và (2) ADRs típ B xảy ra hiếm hơn, chỉ chiếm 10-20% tổng số, thường do sự “bất tương hợp” hay “đặc thù” riêng nên không liên quan tác dụng dược lý của thuốc, không thể dự đoán trước được.
 
Ví dụ điển hình là bị dị ứng thuốc - một loại thuốc dùng hoàn toàn bình thường với người này nhưng có thể gây “sốc phản vệ” nguy hiểm với người khác. Còn theo mức độ nặng nhẹ thì ADRs được chia thêm 4 típ là C, D, E và F.

Ở Âu Mỹ, một loại thuốc phải qua nhiều kiểm tra gắt gao mới được cho phép lưu hành, nhưng khi ra thị trường, các viện bào chế vẫn luôn luôn có sự theo dõi sát sao các ADRs, còn gọi là thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 4, để điều chỉnh kịp thời, tránh nguy hại cho bệnh nhân. Cuối thế kỷ trước, một thuốc giảm đau sử dụng lâu năm, khá rộng rãi là glafenin bị cấm sử dụng; gần đây thuốc đái đường rosiglitazone, thuốc giảm đau rofecoxib... bị rút phép lưu hành.

Hiện nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới đã thành lập những cơ quan chuyên trách về an toàn dược và ADRs. WHO có Trung tâm giám sát Uppsala; EU có Cơ quan dược châu Âu (EMEA); Hoa Kỳ có Cơ quan quản lý dược và thực phẩm (FDA); Trung Quốc có Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Trung Quốc (SFDA)… và Việt Nam ta có Cục Quản lý dược. Nhiệm vụ của các cơ quan này là giám sát cả trước lẫn sau khi thuốc lưu hành.

Tại Bệnh viện Đà Nẵng, tất cả bệnh nhân sau khi được khám, cho đơn và cấp thuốc đều được “bộ phận tư vấn” của Khoa Dược hướng dẫn sử dụng thuốc chính xác, cặn kẽ. Việc tưởng khá đơn giản này đã góp phần rất lớn vào hiệu quả điều trị và hạn chế rất nhiều tác dụng ngược không mong muốn khi dùng thuốc cho bệnh nhân.  
      
TS.BS TRẦN BÁ THOẠI (Bệnh viện Đà Nẵng) 
  

;
.
.
.
.
.