.

Ăn bông cải xanh để chống ung thư dạ dày

.

Các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Khoa học Công nghệ Tokyo, Nhật Bản vừa đưa ra kết luận từ đề tài nghiên cứu mới nhất của họ về tác dụng mới của cây bông cải xanh (súp lơ xanh - ảnh) có khả năng chống lại các vi khuẩn xâm nhập gây ung thư dạ dày. Trước đó, các nhà khoa học đến từ Trường Y Johns Hopkins, Baltimore, Mỹ đã khẳng định tác dụng này của cây bông cải xanh trên cơ thể động vật.

 

Còn trong đề tài này, các nhà nghiên cứu đã chứng minh thành công tác dụng chống ung thư dạ dày đối với con người. Theo đó, trong bông cải xanh có chứa hàm lượng glucoraphanin (sulforaphane chống oxy hóa) đáng kể, đây là một loại dưỡng chất giúp tăng cường sức đề kháng, chống sưng viêm và nhiễm khuẩn cho cơ thể. Chất này có thể phát huy tác dụng với những nhân tố mang mầm mống ung thư muốn xâm nhập vào cơ thể, tuy tác dụng này không đủ mạnh nên phòng ngừa không triệt để, nhưng thói quen ăn bông cải xanh sẽ bảo vệ rất hiệu quả cho cơ thể khỏi nguy cơ ung thư.

Bệnh ung thư dạ dày thường gặp là do vi trùng xoắn (Helicobacter pylori) từ môi trường xâm nhập vào cơ thể (chủ yếu là khi ăn uống). Các nhà nghiên cứu đã cho những bệnh nhân bị nhiễm độc trung xoắn ăn 70gr bông cải xanh mỗi ngày, trong vòng 8 tuần và ghi nhận tình trạng nhiễm trùng xoắn có dấu hiệu giảm.

Nhưng khi ngừng hẳn ăn bông cải xanh, hiện tượng nhiễm trùng xoắn lại trở lại như ban đầu. Điều này chứng tỏ cơ thể đòi hỏi phải cung cấp sulforaphane chống oxy hóa thường xuyên thì chất này mới phát huy được tác dụng chống ung thư dạ dày. Cũng trong nghiên cứu này, có một nhóm khác có thực đơn là một loại cải khác không chứa sulforaphane chống oxy hóa. Cũng sau khoảng thời gian 8 tuần, không hề thấy dấu hiệu giảm nhiễm trùng xoắn ở những người này, thậm chí tình trạng nhiễm khuẩn còn tăng theo tiến trình phát triển bệnh.

Nghiên cứu cho thấy tác dụng của sulforaphane chống oxy hóa đối với việc phòng chống ung thư dạ dày. Trong tương lai, các nhà khoa học sẽ tiếp tục tìm hiểu rõ về tác dụng của dưỡng chất này lên các khuẩn mang mầm bệnh và lên tế bào ung thư, để có kết luận toàn diện hơn về lợi ích chống ung thư của bông cải xanh.

H.H (sưu tầm)

;
.
.
.
.
.