Trên địa bàn thành phố hiện nay có 12 trường ĐH, CĐ có căng-tin phục vụ bữa ăn cho sinh viên. Tuy nhiên, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở các căng-tin này chưa được cơ quan chức năng và các trường quan tâm đúng mức, vì thế rất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh viên.
Các quy định như đeo tạp dề, găng tay, khẩu trang... khi bán thức ăn thường bị nhân viên các bếp ăn căng-tin ký túc xá xem nhẹ, không thực hiện. |
Đến căng-tin ở một trường đại học, hình ảnh tương tự cũng diễn ra trước mắt chúng tôi. Tại đây, do số lượng sinh viên đến ăn nhiều, nên việc làm sạch các vật dụng như chén, bát, đũa… được nhân viên phục vụ thực hiện qua loa, chiếu lệ. Nước rửa chén, bát được dùng nhiều lần đã chuyển màu vàng; chén, bát, đũa được “tút lại” cho sạch bằng mảnh vải cũng đã ngả “màu cháo lòng”. Hỏi về tình hình ATVSTP ở đây, nhiều sinh viên kể, có hôm, đang ăn thì phát hiện trong rau có cả rác và sâu, thế là tụi em phải bỏ ngang bữa.
Điểm chung của các hàng cơm trong căng-tin ký túc xá là giá rẻ hơn bên ngoài, hợp túi tiền của sinh viên. Bởi vậy, mặc dù chất lượng bữa ăn kém, ATVSTP không bảo đảm, nhưng vẫn thu hút số đông
sinh viên.
Theo số liệu thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đà Nẵng, qua đợt kiểm tra tháng 4-2009, trong tổng số 12 ký túc xá có bán cơm cho sinh viên, có 4 cơ sở kinh doanh chưa được cấp Giấy chứng nhận ATVSTP, gồm: Bếp ăn ở ký túc xá Trường ĐH Bách khoa; Trường ĐH Sư phạm; Trường CĐ Kinh tế-Kế hoạch và Trường CĐ Giao thông-Vận tải 2. Nhiều căng-tin không bảo đảm các yêu cầu về ATVSTP như: Bếp ăn không bảo đảm nguyên tắc một chiều, dụng cụ chế biến thức ăn chín, sống để lẫn lộn, nền nhà bẩn…
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra ATVSTP bếp ăn tập thể tại các căng-tin trường ĐH, CĐ, nhằm bảo đảm sức khỏe của sinh viên.
Bài và ảnh: HÒA KHÁNH