Vừa qua, Công ty cổ phần Dược Danapha đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thuốc theo công nghệ Nanopharmaceutical, công nghệ sản xuất dược phẩm tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới, được chuyển giao từ đối tác AQP của Hoa Kỳ. Dự án nhà máy trị giá 3,2 triệu USD được đặt tại Đà Nẵng sẽ mở ra nhiều triển vọng về cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh dòng sản phẩm thuốc công nghệ cao dành cho các công ty dược Việt Nam, góp phần thúc đẩy tích cực đến sự phát triển của thị trường dược phẩm trong nước. Ông Nguyễn Quang Trị (ảnh), Chủ tịch HĐQT của Danapha, đã nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với PV Báo Đà Nẵng.
* P.V: Thưa ông, tại sao Danapha đã quyết định đầu tư vào công nghệ Nano trong bối cảnh công nghệ này vẫn còn khá mới mẻ trong khu vực?
- Ông Nguyễn Quang Trị: Dược phẩm sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng 40% thị phần, 60% thị phần còn lại dành cho các loại dược phẩm nhập khẩu có chất lượng cao và công nghệ sản xuất hiện đại. Do vậy, thị trường dược phẩm trong nước, khi được sản xuất bởi công nghệ và kỹ thuật cao, là một thị trường có tiềm năng rất lớn.
Danapha đang đứng trước cơ hội tốt để nâng tầm vị thế của mình trên thương trường dược của thế giới nếu như “đón đầu” công nghệ mới. Danapha có đủ khả năng về cơ sở vật chất, tài chính và nguồn nhân lực để tiếp cận với việc phát triển sản xuất các loại dược phẩm công nghệ cao như Nanopharmaceutical, đặc biệt là những dược phẩm dạng Liposomes là đối tượng phát triển trong dự án.
Tại châu Á, hiện chỉ có vài nước sở hữu dây chuyền công nghệ Nano trong sản xuất dược. Danapha muốn chiếm lĩnh công nghệ tiên tiến này để hiện đại hóa lĩnh vực sản xuất dược tại Việt Nam và nâng cao giá trị sản phẩm dược Việt Nam. Đó chính là lý do thúc đẩy Danapha quyết định mua công nghệ mới từ đối tác Hoa Kỳ.
* P.V: Hình thức hợp tác đầu tư trong dự án này sẽ như thế nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Quang Trị: Nhà máy đặt tại Đà Nẵng chỉ là một phần trong dự án hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ cao được ký kết giữa Danapha và Công ty dược Affordable Quality Pharmaceuticals (AQP), Hoa Kỳ. Toàn bộ dự án được đầu tư mới hoàn toàn thông qua việc thành lập một công ty cổ phần mang tên Công ty cổ phần Dược phẩm Danosome do 3 cổ đông sáng lập là Tổng Công ty Dược Việt Nam, Công ty cổ phần Dược Danapha và Công ty AQP – Hoa Kỳ góp vốn. Danapha nắm giữ 51% cổ phần sẽ là công ty mẹ của liên doanh mới.
Theo lộ trình hợp tác, AQP sẽ chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cũng như các sản phẩm và dịch vụ liên quan theo vốn điều lệ cho Danapha và sẽ trợ giúp Danapha trong việc marketing ngoài lãnh thổ Việt Nam. Việc chuyển giao này bao gồm các thiết bị sản xuất, quy trình hoạt động, các khóa đào tạo, huấn luyện, thẩm định các nghiên cứu và đăng ký sản phẩm với Bộ Y tế Việt Nam.
Trong liên doanh mới, với sự bảo đảm của AQP, Danapha được quyền độc quyền phát triển và kinh doanh nhóm các sản phẩm Liposome trên phạm vi toàn thế giới. Sở hữu công nghệ mới này, Danapha cũng sẽ trở thành nhà sản xuất gốc các sản phẩm dạng Liposome cho AQP để bán tại Hoa Kỳ và Canada, là hai thị trường mục tiêu của AQP.
* P.V: Các loại thuốc được sản xuất tại nhà máy Danosome chủ yếu là loại thuốc gì? Và khi nào thì người tiêu dùng thuốc trong nước được tiếp cận với dòng thuốc công nghệ cao này?
- Ông Nguyễn Quang Trị: Sẽ có nhiều loại dược phẩm dưới dạng Liposome được sản xuất ngay tại Việt Nam theo lộ trình cam kết giữa Danapha và đối tác AQP, trong đó bao gồm thuốc giảm đau, chống dị ứng, thuốc trị tiểu đường, huyết áp, tim mạch, ung thư, và cả mỹ phẩm. Người tiêu dùng trong nước sẽ được tiếp cận với dòng thuốc công nghệ cao này trong vài năm tới đây khi nhà máy Danosome chính thức đi vào hoạt động.
* P.V: Xin ông giới thiệu đôi nét về đối tác AQP?
- Ông Nguyễn Quang Trị: AQP, đối tác chiến lược của Danapha trong dự án này, là nhà sản xuất dược và phân phối thuốc theo toa, nằm trong danh sách 500 công ty được điều hành thành công nhất nước Mỹ, có trụ sở đặt tại bang California. AQP hiện có trên 500 loại thuốc khác nhau đã được đăng ký với FDA (Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ) để bán trên toàn nước Mỹ, các loại thuốc này đều có trong Pharmacy’s Red Book (Dược Điển của Mỹ).
Quá trình thương thảo với AQP đã bắt đầu từ một năm qua. Họ đã đưa chuyên viên của cơ quan FDA sang đánh giá các tiêu chuẩn, năng lực của Danapha nhằm chuẩn bị cho việc chuyển giao công nghệ. Cuối cùng, FDA đã đi đến kết luận Danapha hoàn toàn có đủ khả năng để tiếp cận với việc phát triển sản xuất các loại dược phẩm công nghệ cao, đặc biệt là những dược phẩm dạng Liposomes, và đủ tiêu chuẩn để xuất các sản phẩm của mình sang thị trường Hoa Kỳ.
* P.V: Hiện dược phẩm sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng 40% thị phần, 60% thị phần còn lại dành cho các loại dược phẩm nhập khẩu có chất lượng cao và công nghệ sản xuất hiện đại. Dự án hợp tác này sẽ tác động như thế nào đến thị trường dược Việt Nam, theo nhận định của ông?
- Ông Nguyễn Quang Trị: Liên doanh Danosome hứa hẹn sẽ mở ra triển vọng rất lớn cho những công ty dược của Việt Nam trong việc tiếp cận dây chuyền công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển và cơ hội mở rộng thị trường ra nước ngoài bằng những sản phẩm thuốc công nghệ cao.
Thị trường dược Việt Nam cũng sẽ được điều chỉnh trở lại theo tỷ lệ giảm nhập khẩu các loại thuốc công nghệ cao, vì các dòng sản phẩm này nay đã có thể tự sản xuất trong nước. Người trực tiếp hưởng lợi từ các dự án hợp tác tương tự chính là người sử dụng thuốc ở trong nước khi được tiếp cận các loại thuốc chất lượng cao với giá rẻ hơn thuốc nhập khẩu.
* P.V: Xin cảm ơn ông.
.
.
Đầu tư công nghệ mới
Việt Nam sẽ có thuốc chất lượng cao, giá rẻ
Thứ Hai, 21/09/2009, 07:49 [GMT+7]
.
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.