.

Nhiều sinh viên mắc bệnh sốt xuất huyết

.

Đến hẹn lại lên, trước mùa mưa lũ hằng năm, bệnh sốt xuất huyết (SXH) lại bùng phát thành dịch. Điều đáng lo là có nhiều sinh viên  mắc căn bệnh này.

Ông Vương Hoàng Bốn (người đứng), cha của Vương Hoàng Gia: “Nghe tin con đau, tôi phải bỏ việc trong quê ra chăm nom sức khỏe cho con để nó sớm đến trường”.

Trong tổng số 44 ca mắc SXH trên toàn địa bàn thành phố trong tuần qua, có hơn 10 trường hợp là sinh viên. Chỉ riêng tại Bệnh viện Hải Châu, trong số 11 ca mắc SXH độ 1 và độ 2 được tiếp nhận điều trị tại khoa Nội B có tới 3 ca là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Cách đây chỉ vài hôm, Vương Hoàng Gia (quê Bình Đào, Thăng Bình, Quảng Nam), sinh viên năm thứ 2 khoa Quản trị kinh doanh Trường Dại học Duy Tân thấy người mệt lả, sau đó toàn thân nổi phát ban đỏ.
 
Hoảng quá, Gia đến Bệnh viện Hải Châu khám mới biết mình mắc bệnh SXH. Gia cho biết, em sống trong khu nhà trọ với 4 căn phòng cho thuê trên đường Phạm Văn Nghị. Phòng trọ của em khá ẩm thấp, nằm gần cống thoát nước. Ban đêm ngủ, chuột bò vào phòng tìm thức ăn. Trong số 3 bạn cùng phòng thì có hai người mắc bệnh SXH, nhưng bạn của em tự mua thuốc điều trị ở nhà. 

Nằm cùng khoa Nội B với Gia có bệnh nhân nữ B.T.T.X, trú tại tổ 30 phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, nhập viện sáng ngày 7-9, trên cơ thể nổi phát ban đỏ. X. vừa tốt nghiệp cao đẳng. Bác sĩ Đoàn Thị Mộng Oanh, Phó trưởng khoa Nội B, Bệnh viện Hải Châu cho biết, trường hợp này được chuyền dịch ngay để sức khỏe bệnh nhân ổn định, tránh bị choáng. Mắc bệnh mấy ngày nhưng vì không biết đang mắc SXH nên để bệnh trở nặng, khi đưa vào viện cả cơ thể người bệnh đỏ lừ, trông rất mệt mỏi. Ngoài 2 sinh viên đang được điều trị tích cực, tại Bệnh viện Hải Châu còn 2 học sinh cũng bị mắc SXH đang được theo dõi.

Bác sĩ Nguyễn Út - Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, số lượng sinh viên mắc SXH từ đầu năm đến nay trên địa bàn Đà Nẵng chiếm khoảng 20%. Đây là tỷ lệ khá cao so với những năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do việc vệ sinh tại khu trọ của sinh viên không bảo đảm, mặt khác các em chủ quan không mắc màn ngủ, lại thiếu dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày nên sức đề kháng cơ thể yếu, rất dễ mắc bệnh. Đa số người bệnh là sinh viên sống ở những khu nhà trọ ẩm thấp vùng nội thành.

Ở giai đoạn đầu của bệnh SXH rất dễ nhầm với các bệnh sốt do virus vì nó không có biểu hiện đặc biệt, người bệnh cũng chỉ sốt, mệt mỏi li bì.

Vì thế, ngay cả bác sĩ thăm khám khi đó cũng khó xác định bệnh. Chỉ giai đoạn sau, khi lượng tiểu cầu giảm xuống hay xuất hiện những chấm xuất huyết dưới da thì người bệnh mới biết.
 
Vì thế, nhiều người nhập viện trong tình trạng bệnh đã rất nặng vì trước đó nhầm là mình bị cảm sốt thông thường, tự uống thuốc hay nghĩ là sốt virus, chỉ truyền nước.

Cách đây gần 2 tháng, trên địa bàn quận Liên Chiểu có một sinh viên trọ học ở tổ 32, phường Hòa Hiệp Bắc đã tử vong vì SXH. Hiện tại, dịch SXH đang có dấu hiệu bùng phát mạnh tại khu vực có nhiều sinh viên ở nhà trọ tại quận Liên Chiểu. Bác sĩ Phạm Phú Điềm, Phó Giám đốc Bệnh viện Liên Chiểu cho biết, sở dĩ địa phương này là điểm nóng về SXH một phần vì nơi đây tập trung quá đông sinh viên và công nhân, trong lúc những đối tượng này ở ký túc xá, khu phòng trọ thường không chấp hành nghiêm các quy định về vệ sinh, phòng dịch.
 
“Chúng tôi đã điều tra dịch tễ muỗi gây bệnh ở những tổ dân phố có sinh viên mắc SXH; qua đó thấy ý thức sinh hoạt của đa số sinh viên chưa cao, nhiều em còn coi thường bệnh tật, không chịu đến bệnh viện khám bệnh khi thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường”- Bác sĩ Điềm nhấn mạnh.

Điều dễ nhận thấy, điều kiện sống của nhiều sinh viên hiện nay chưa bảo đảm về yếu tố môi trường, nhất là trong các khu vực giải tỏa di dời, gần các khu có ao hồ cỏ mọc um tùm, trong lúc ý thức phòng bệnh của các em chưa cao. Đây là nguyên nhân dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát căn bệnh này trong sinh viên. Đến nay, Bệnh viện Liên Chiểu  đã điều trị gần 50 ca SXH và hơn 200 ca sốt Dengue - một dạng sốt nhẹ của SXH. Địa phương này đang được xem là một “điểm nóng” của SXH trong những tháng cuối năm 2009; đồng thời đây cũng là địa bàn có nhiều sinh viên cư trú.

Trong thời điểm dịch SXH bùng phát mạnh như hiện nay, khi bị sốt cao, trên 39 độ, người dân cần đến bệnh viện khám và xét nghiệm máu  để được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Ngoài ra, để phòng bệnh, mọi người cần diệt muỗi, không để muỗi đốt kể cả ban ngày, không để nước tù đọng quanh nhà, phát quang bụi rậm, ngủ mùng... Đối với sinh viên cũng có thể lên mạng Internet để tìm hiểu về các bệnh, trong đó có SXH và cúm A/H1N1.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.