.

Triển khai Luật BHYT

.

Từ ngày 1-10-2009, những quy định mới của Luật BHYT được áp dụng triển khai trên cả nước theo Nghị định 62/2009/NĐ-CP. Để chính sách BHYT thực sự đi vào cuộc sống, trong hai ngày 7 và 8-9, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 62/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT và các Thông tư hướng dẫn thực hiện cho các cơ sở y tế khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên chủ trì hội nghị.

Từ ngày 1-10 tới, trẻ em dưới 6 tuổi khám chữa bệnh thông qua hình thức BHYT thay cho thực thanh, thực chi.


Nghị định 62 của Chính phủ và Thông tư của Bộ Y tế mới ban hành có nhiều nội dung quan trọng, nhưng về cơ bản quyền lợi cho người tham gia BHYT giữ nguyên như quy định hiện hành và có bổ sung quyền lợi đối với người nhiễm HIV/AIDS, khám sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh. Điểm mới của Nghị định là việc áp dụng đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) theo các mức khác nhau, theo các tuyến, hạng và các nhóm đối tượng khác nhau.

Luật quy định đăng ký KCB BHYT ban đầu chủ yếu tại các cơ sở y tế tuyến huyện, xã và tương đương để tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế ngay từ cơ sở, giảm quá tải ở tuyến trên, giảm chi phí không cần thiết cho người dân. Phương thức thanh toán chi phí KCB giữa cơ sở KCB và quỹ BHYT cũng được quy định để áp dụng cho phù hợp.

Khi đi khám đúng tuyến, tùy theo từng trường hợp, quỹ bảo hiểm sẽ chi trả theo 3 mức khác nhau. Cụ thể: Mức một, thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh đối với trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, một số đối tượng thuộc lực lượng CAND, khám chữa bệnh tại tuyến xã; chi phí của một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương tối thiểu.
 
Mức 2, thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người bệnh đồng chi trả 5% chi phí còn lại. Mức 3, Quỹ thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh đối với các đối tượng khác và người bệnh đồng chi trả 20% chi phí còn lại.

Từ ngày 1-10-2009, trẻ em dưới 6 tuổi bắt đầu thực hiện BHYT theo quy định của Luật. Vì vậy, tại các phòng khám Nhi, khoa Nhi, bệnh viện sẽ nghiên cứu để tổ chức thực hiện KCB cho trẻ em dưới 6 tuổi thông qua hình thức BHYT thay cho hình thức thực thanh, thực chi. Khi phải sử dụng các thuốc điều trị ung thư và chống thải ngoài danh mục thì quỹ sẽ thanh toán 50% theo mức hưởng khi khám chữa bệnh đúng quy định và không đúng quy định.
 
Từ ngày 1-10-2009, BHXH cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc đổi thẻ cho trẻ dưới 6 tuổi. Đặc biệt, trong luật mới, người bị tai nạn giao thông cũng sẽ được BHYT chi trả viện phí. Tuy nhiên Luật quy định, người được thanh toán phải không vi phạm pháp luật (tức không sai phạm trong tai nạn). Tiền thanh toán sau đó được BHYT thu lại từ người gây tai nạn.

Từ 1-1-2010, mức đóng BHYT (tăng 1,5 lần so với mức đóng hiện hành) được xác định là 4,5% mức tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động hằng tháng hay lương tối thiểu. Riêng học sinh, sinh viên (HSSV), mức đóng BHYT bằng 3% mức lương tối thiểu. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng đối với người thuộc hộ cận nghèo, tối thiểu 30% mức đóng đối với HSSV và người thuộc hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình.
   

Những lưu ý khi đi khám chữa bệnh theo BHYT

Theo bà Tống Thị Song Hương,Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế): Khi đi khám chữa bệnh, người dân phải mang theo thẻ BHYT có ảnh (nếu thẻ chưa có ảnh thì mang thêm giấy tờ tùy thân khác có ảnh), cùng với hồ sơ chuyển viện (nếu chuyển tuyến điều trị), giấy hẹn khám lại (nếu đến khám lại theo yêu cầu).

Với trẻ dưới 6 tuổi, cha mẹ khi đưa con đi khám cần mang theo thẻ BHYT (hoặc thẻ khám chữa bệnh miễn phí) và giấy khai sinh hoặc chứng sinh. Trong trường hợp cấp cứu, người bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi. Nếu cấp cứu tại những cơ sở không đăng ký khám chữa bệnh ban đầu thì cơ sở y tế phải xác nhận tình trạng bệnh, chứng từ hợp lệ để người bệnh thanh toán với bảo hiểm xã hội.


Tin và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.