Thời gian qua, nhiều cửa hàng mắt kính đến siêu thị mắt kính trên địa bàn thành phố đua nhau mọc lên. Thế nhưng ngoại trừ một số đơn vị có uy tín, có bác sĩ chuyên khoa trong khám, đo mắt và tư vấn cho khách hàng, phần lớn các cơ sở còn lại do nhân viên bán hàng tự đo, khám, kết luận và cắt kính.
Biết tin ai?
Kính “dỏm” được bày bán tràn lan trên vỉa hè. |
Một người phụ nữ trạc 40 tuổi nói: “Đo kính hả em. Ngồi vào đây đi”. Chưa đầy 10 phút, tôi đã nhận được kết quả: mắt trái 2,8 đi-ốp, mắt phải 2,4 đi-ốp. Sau khi đưa ra kết quả, người phụ nữ này đã dẫn tôi đến quầy bán mắt kính và giới thiệu những cặp kính phù hợp với kết quả đã đo trước đó. Tôi đã vịn cớ không mang theo đủ tiền và hẹn chiều sẽ nhất định quay lại mua kính.
Rời Trung tâm mắt kính L.H, tôi tìm đến một cửa hàng kính thuốc khác cũng nằm trên tuyến đường này với mong muốn xem lại kết quả đo mắt ở tiệm kính trước có chính xác không. Sau khi làm xong thủ tục đo mắt, ông chủ tiệm giới thiệu ngay: “Hiệu này mới mở nên máy móc được đầu tư hiện đại, đo nhanh và cho kết quả chính xác 99%”.
Qua quan sát thấy tiệm kính này cũng được đầu tư khá bài bản, thế nhưng khi đo mắt lại rất đơn giản, sau 5 phút đo mắt bằng máy điện tử, ông chủ tiệm yêu cầu tôi thử lại bằng cách đeo kính thử để đọc lại những dòng chữ trên bảng. Khi thử xong, ông chủ tiệm nói: “Chú thử đi đi lại lại xem có chóng mặt không”. Chưa kịp trả lời, tôi đã nhận được kết quả có ghi số độ tăng hơn nhiều lần so với tiệm kính L. H (trong đó mắt phải 3,2 đi-ốp, mắt trái 3,4 đi-ốp).
Phòng khám mắt không đủ tiêu chuẩn
Tiêu chuẩn của một phòng khám mắt phải là phòng có đủ khoảng cách trên 5m, tính từ mắt đến bảng thị lực, phòng có đủ ánh sáng; vị trí đặt bảng đo thị lực phải đặt ngang tầm với mắt; kỹ thuật viên (KTV) đo mắt phải là những người có trình độ chuyên môn được học những nguyên lý cơ bản về thị lực, về khúc xạ… Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện các KTV đo mắt ở không ít cửa hàng mắt kính chưa đáp ứng đủ tiêu chí theo quy định. Một bác sĩ chuyên khoa mắt của Bệnh viện C Đà Nẵng cho hay:
Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt: Đối với những người mắc tật khúc xạ về mắt, nếu đeo kính không đúng độ thì dễ gây nên những tác dụng phụ như: nhức đầu, mỏi mắt, thường xuyên bị choáng; nhìn vào hình vật không chính xác dẫn đến hoàng điểm và võng mạc bị ảnh hưởng. Thậm chí, có nhiều trường hợp còn gây nên hiện tượng nhược thị. |
Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, bên cạnh các loại kính thuốc dành cho mắt bị tật khúc xạ thì cũng có nhiều loại kính mắt trang sức hàng “dỏm” được bày bán công khai ở vỉa hè, dọc các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, quốc lộ 14B, Trường Chinh… với giá cực rẻ, từ 10 đến 40 nghìn đồng/cặp, và đeo những loại kính này cũng là nguyên nhân dẫn đến sự nguy hiểm cho thị lực của mắt. Nhưng điều đáng nói là, những sạp kính vỉa hè hiện đang “bùng phát” ngày một nhiều, gây mất trật tự, an toàn giao thông… Thế nhưng không hiểu vì sao chẳng thấy các cơ quan chức năng xử lý?
Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG