.
PHÒNG, CHỐNG CÚM A/H1N1

Bệnh nhân nhiễm mới chỉ giảm “ảo”

.

Cơn bão số 9 gây hư hỏng nặng khoa Lây, Bệnh viện Đà Nẵng, không thể thu dung điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1. Ngành Y tế đã phải di dời khẩn cấp bệnh nhân cúm A/H1N1 đến Trung tâm Y tế quận Thanh Khê và Bệnh viện C Đà Nẵng để điều trị.

Nghi nhiễm là điều trị

Thu dung điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1.

Trong khoảng 5-7 ngày trở lại đây, trong cả nước, số bệnh nhân nhiễm mới trong mỗi ngày đã giảm, trung bình chỉ có khoảng 20-30 ca/ngày, cá biệt có ngày chỉ có 10 bệnh nhân nhiễm mới. Nhiều người cho đây là một tín hiệu mừng vì thấy rằng cúm A/H1N1 đã yếu đi. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường thuộc Bộ Y tế, cảnh báo: Thực tế số bệnh nhân nhiễm mới cao hơn nhiều so với con số báo cáo, vì Bộ Y tế đã thay đổi phương án giám sát, không xét nghiệm đại trà như trước, chỉ xét nghiệm tập trung ở các điểm giám sát trọng điểm. Con số báo cáo hằng ngày chủ yếu ở những nơi có xét nghiệm. Trong thực tế,  có nhiều bệnh nhân không xét nghiệm, tiến hành điều trị ngay, số này rất lớn.

Riêng tại thành phố Đà Nẵng, từ cuối tháng 8-2009, khả năng xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang không đáp ứng vì lượng mẫu gửi đến quá tải nên ngành Y tế thành phố phải thu dung điều trị bệnh nhân dựa vào chẩn đoán nghi nhiễm.

Cho đến nay, ngoài 66 ca dương tính đã điều trị, trong đó có 65 ca ra viện và 1 trường hợp tử vong, các đơn vị còn thu dung điều trị gần 200 trường hợp nghi nhiễm. Điều đáng lo là, rất nhiều trường hợp xuất hiện bệnh theo chùm, tức là từ 5 đến 7 trường hợp phát hiện sốt, ho, hắt hơi, đau họng. Đến nay, gần 20 trường học trên địa bàn thành phố đã có bệnh nhân mắc cúm hoặc nghi nhiễm cúm được thu dung điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố lưu ý, người dân không nên hiểu nhầm cúm A/H1N1 đã lắng xuống, nảy sinh tâm lý chủ quan. Thực tế dịch vẫn đang lây lan mạnh trong cộng đồng, có những người không tiếp xúc với người bệnh vẫn nhiễm bệnh. Hiện tại, Trung tâm Y tế quận Thanh Khê đang điều trị cho một số ca mắc cúm nặng, trong đó có cả thai phụ và trẻ em bị suy hô hấp, phải thở máy.

Đối tượng dễ bị nhiễm cúm A/H1N1

Theo một số tài liệu nghiên cứu của các nước, có tới 80% trong những bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 đã có ít nhất một yếu tố nguy cơ bệnh tật kèm theo làm cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn hoặc phức tạp hơn cho điều trị. Hen suyễn là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất, chiếm tới 41%, mang thai (28%), trẻ em dưới 2 tuổi (12%)…

Hiện cúm A/H1N1 đã khá phổ biến tại cộng đồng, tốc độ lây lan nhanh. Bệnh tăng hơn ở độ tuổi trẻ em, học sinh, những người cao tuổi, người mắc các bệnh mãn tính, thai phụ… và khi mắc bệnh dễ gây biến chứng và nguy cơ tử vong cao. Trong tổng số 24 bệnh nhân mắc cúm tử vong tại Việt Nam, qua thống kê của Bộ Y tế, phần lớn là người có tiền sử mắc bệnh mãn tính và phụ nữ đang mang thai. Các bệnh nhân này đều nhập viện muộn, trong khi Tamiflu chỉ phát huy tác dụng nếu được sử dụng trong vòng 48 giờ từ khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh.

Qua các nghiên cứu, nhóm người trẻ tuổi dễ bị nhiễm cúm nhưng đa số biểu hiện bệnh không nặng, khả năng hồi phục nhanh, thời gian điều trị hết sốt kể từ sau khi bệnh khởi phát là 1-8 ngày (trung bình là 3 ngày). Người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và những người mắc các bệnh mãn tính dễ mắc cúm A/H1N1 là do hệ miễn dịch kém, chỉ cần có cơ hội tiếp xúc là vi-rút cúm A/H1N1 có thể xâm nhập vào cơ thể. Vi-rút cúm cũng có thể kết hợp với các ổ nhiễm khuẩn mãn tính ở răng, lợi, miệng, tai mũi họng tấn công nhanh hơn đường hô hấp dưới.

Đối với những người có bệnh lý rối loạn chuyển hóa và tim mạch như đái tháo đường, xơ vữa động mạch, đau thắt ngực mãn tính...,vi-rút cúm làm tăng nguy cơ thúc đẩy các bệnh lý này diễn biến nặng hơn, nhất là khi cúm có xuất hiện các biến chứng và bội nhiễm. Người mang thai có nhiều nguy cơ mắc cúm vì cơ thể bị giảm miễn dịch, giảm khả năng chống đỡ với bệnh tật. Đặc biệt, khi mang thai, nếu bị nhiễm vi-rút cúm A/H1N1 thì bệnh nặng hơn, khó điều trị và không chỉ ảnh hưởng đến thai phụ mà còn dẫn đến kết quả xấu cho thai nhi như sốt cao dễ làm sảy thai, đẻ non.

Chính vì vậy, những người mắc bệnh mãn tính như tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS..., người già, trẻ em, thai phụ cần quan tâm tới sức khỏe, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh cúm A/H1N1, khi có biểu hiện bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời, tránh những biến chứng nặng có thể xảy ra, nguy hiểm đến tính mạng.  

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.