.

Cúm A/H1N1 mùa đông diễn biến phức tạp

.

Trước những diễn biến phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng các ca mắc cúm A/H1N1 trên địa bàn thành phố, Sở Y tế đã tập trung vào những biện pháp cấp bách nhằm đối phó với dịch bệnh.

Các bệnh viện đều vào cuộc

Những bệnh nhân nhi bị sốt đến khám tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong trường hợp bùng phát cúm A/H1N1 trên diện rộng hơn, Sở sẽ sử dụng các Trung tâm Y tế Sơn Trà, Liên Chiểu, Thanh Khê, Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn tổ chức thu dung điều trị, dự kiến mỗi đơn vị bố trí 10 giường bệnh nhằm bảo đảm tổng số giường bệnh dành cho điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 trên toàn thành phố là 110 giường.

Trong đó, những trường hợp bệnh nhẹ sẽ thu dung điều trị tại tuyến y tế quận, huyện hoặc có thể tại Trạm Y tế phường; các trường hợp nặng thì chuyển lên Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ phối hợp với các bệnh viện ngành của Trung ương đóng trên địa bàn thành phố hỗ trợ thu dung điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1.   

Để thực hiện tốt phương án này, Sở Y tế tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn phác đồ điều trị cúm A/H1N1 của Bộ Y tế cho các tuyến y tế; đồng thời khẩn trương khắc phục những thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra ở khoa Lây, Bệnh viện Đà Nẵng bảo đảm năng lực thu dung điều trị từ 20 đến 30 ca bệnh theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, hiện nay ngành Y tế thành phố gặp phải khó khăn là thiếu bác sĩ chuyên khoa sản và nhi hỗ trợ điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1; các trang thiết bị còn thiếu, mặc dù thuốc Tamiflu được Bộ Y tế bổ sung kịp thời. Bác sĩ Phạm Hùng Chiến cho biết thêm, Sở Y tế đang tính đến phương án thành lập Đội phản ứng nhanh khám và điều trị tại nhà, giảm quá tải cho các bệnh viện khi bệnh nhân cúm A/H1N1 tăng đột biến.

Tránh chẩn đoán nhầm

Theo nhận định của Bộ Y tế, cúm A/H1N1 đang lây lan với tốc độ nhanh và có thể sẽ tạo ra “sóng dịch”  lần thứ 2 trên thế giới vào hai tháng 11 và 12-2009. Điều nguy hiểm là, hiện nay không chỉ có cúm A/H1N1 mà cả cúm mùa cũng phát triển mạnh; cúm A/H1N1 kết hợp với sốt xuất huyết, với cúm A/H5N1.

Trong giai đoạn chuyển mùa, nguy cơ cúm A/H1N1 kết hợp với cúm mùa thông thường có thể xảy ra, vì thế số bệnh nhân nhiễm cúm sẽ tăng cao. Với những diễn biến phức tạp như vậy, đòi hỏi các bác sĩ chú trọng công tác chẩn đoán, sàng lọc, phân biệt các triệu chứng bệnh để có phác đồ điều trị hợp lý, hiệu quả, tránh “chẩn đoán nhầm”, điều trị muộn dẫn đến tử vong.

Diễn biến lâm sàng cho thấy, bệnh SXH và cúm A/H1N1 đều có biểu hiện sốt cao. Đây là một khó khăn cho công tác chẩn đoán, kể cả đối với những bác sĩ có kinh nghiệm. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế để nhận biết là có thể quan sát, theo dõi tình trạng hạ sốt sau khi uống thuốc Paracetamol. Nếu sốt cao do SXH thì sau khi uống Paracetamol để hạ nhiệt, thân nhiệt cũng chỉ hạ được trong một thời gian ngắn, sau đó bệnh nhân lại tiếp tục sốt cao trở lại.

Còn nếu sốt do vi-rút cúm A/H1N1 gây ra thì sau khi dùng thuốc hạ nhiệt, thời gian duy trì hạ nhiệt của bệnh nhân dài hơn. Bên cạnh đó, với cúm A/H1N1, bệnh nhân ngoài sốt, còn có biểu hiện viêm họng hoặc có ho, nhiễm trùng đường hô hấp trên, trường hợp bệnh nặng thì xuất hiện triệu chứng đau tức ngực, khó thở, suy hô hấp. Các trường hợp tử vong vì cúm A/H1N1 trong thời gian qua đều có cùng một nguyên nhân là người bệnh không biết mình bị cúm A/H1N1, ngay cả bác sĩ chẩn đoán cũng không chính xác nên dẫn đến nguy kịch, bệnh nhân tử vong.

Để phòng chống bệnh hiệu quả trong những tháng mùa đông, ngành Y tế thành phố đang tích cực triển khai công tác tuyên truyền, xây dựng cơ sở thu dung điều trị, củng cố chuyên môn ở tất cả các tuyến y tế. Tuy nhiên, ở một số cơ quan, đơn vị thuộc các sở, ban, ngành vẫn còn chủ quan, thiếu chủ động phòng, chống cúm A/H1N1 và các dịch bệnh khác liên quan đến cúm A/H1N1. Đây là một trở ngại lớn trong công tác phòng, chống dịch cúm A/H1N1 trên địa bàn thành phố.

Bài và ảnh: DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.