.

Dịch đau mắt đỏ lây lan mạnh

.

Hơn một tháng qua, dịch đau mắt đỏ lây lan mạnh ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố. Ngành y tế cho rằng, đây là thời điểm giao mùa nên bệnh đỏ mắt sẽ gia tăng trong thời gian đến. 
 

Không nên tùy tiện sử dụng thuốc

Bệnh nhân đứng đợi tại khu vực trước phòng khám Bệnh viện Mắt Đà Nẵng.  Ảnh: VIỆT DŨNG


Sáng ngày 9-11, tại 3 phòng khám mắt, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, bệnh nhân đến khám ngồi chật kín các dãy ghế, đứng tràn ra cả khu vực hành lang. 

Sau khi khám bệnh cho ông Trần Nhàn, trú tại xã Hòa Liên (Hòa Vang), bác sĩ Nguyễn Văn Khôi, Trưởng khoa Khám (Bệnh viện Mắt Đà Nẵng) cho biết, ông bị viêm kết mạc dạng nặng, đôi mắt đỏ bầm, hai mí mắt sưng húp, nhìn rất khó khăn. Ông Nhàn bị bệnh đã lâu nhưng tự mua thuốc về nhỏ mắt, không đến bệnh viện điều trị kịp thời nên dẫn đến bệnh nặng.

Theo bác sĩ Khôi, nhiều bệnh nhân đến khám trong tình trạng bệnh đã chuyển nặng, có thể ảnh hưởng đến thị lực. Phần lớn những trường hợp này tự điều trị ở nhà bằng các phương pháp dân gian như xông lá trầu, lá rau răm, tinh dầu bạc hà hoặc tự mua thuốc nhỏ mắt, thuốc uống về nhà điều trị, vì thế dễ gây biến chứng.

Theo số liệu thống kê, tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, từ đầu tháng 11 đến nay đã có hơn 2 nghìn bệnh nhân đến khám, điều trị. Bác sĩ Trần Thị Tuyết Hồng, Trưởng khoa Kết giác mạc (Bệnh viện Mắt Đà Nẵng) cho hay, đây là loại bệnh do Adeno virus gây ra và phát triển mạnh trong thời điểm giao mùa, điều kiện vệ sinh môi trường kém (sau bão, lũ). Người mắc bệnh thường có các triệu chứng như mi mắt sưng nề, cộm xốn, chảy nước mắt, có nhiều ghèn, đỏ mắt, sốt, viêm họng, nổi hạch ở tai…

Bệnh đau mắt đỏ lây lan chủ yếu qua 3 đường: tiếp xúc trực tiếp, hô hấp và tiếp xúc gián tiếp (như dùng chung khăn mặt, vòi nước công cộng…). Thời gian ủ bệnh trong 4 đến 10 ngày và bệnh kéo dài trong một tuần. Những trường hợp nặng có thể kéo dài đến 2 tuần. Trường hợp bệnh nặng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm loét giác mạc, gây mù mắt.

Bác sĩ Trần Thị Tuyết Hồng khuyến cáo, bệnh đau mắt đỏ đang lây lan mạnh, vì vậy cần cách ly người bệnh với những người xung quanh để hạn chế sự lây lan. Khi phát hiện mắc bệnh, người bệnh cần đến  các Trung tâm Y tế để điều trị kịp thời, không nên tự ý mua các loại thuốc về nhỏ mắt, đặc biệt là các loại thuốc có chứa Corticoid, sẽ làm bệnh nặng thêm. Ngoài ra, người dân cần vệ sinh cá nhân, rửa tay thật kỹ để hạn chế sự lây lan của bệnh.

Bệnh lây lan ở trường học

Hiện nay, rất nhiều trường học trên địa bàn thành phố có học sinh bị đau mắt đỏ. Theo bà Võ Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Bá Trinh (quận Ngũ Hành Sơn), sáng ngày 9-11, trường có 4 học sinh bị đỏ mắt phải đeo kính đến lớp. Em Trần Minh Quân, học sinh lớp 1/2 của trường cho biết, em bị đỏ mắt từ 2 hôm nay với triệu chứng mắt đỏ, sưng húp, thường xuyên chảy nước rất khó chịu. Sau khi phát hiện bệnh, bố mẹ mua thuốc về nhỏ mắt nhưng không đỡ tí nào.

Trong vòng một tuần qua, tại Trường mầm non 20-10 (quận Hải Châu) có 12 trẻ bị đỏ mắt, sưng tấy. Nhà trường đã cho các cháu nghỉ học để điều trị bệnh. Bà Huỳnh Thị Thọ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để hạn chế dịch bệnh lây lan trong nhà trường, Ban giám hiệu yêu cầu giáo viên hằng ngày nhỏ thuốc cho các cháu, đồng thời hấp tiệt trùng khăn lau mặt thật kỹ.

Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ xuất hiện ở nhiều trường học. Điều đáng lo ngại là, sau khi phát hiện bệnh, nhiều phụ huynh chủ quan tự mua thuốc điều trị cho con em, vừa không chữa lành bệnh, vừa làm lây lan dịch bệnh trong trường học. 

Trao đổi với chúng tôi về công tác phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ lây lan trong trường học, ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Đà Nẵng cho biết, Sở đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn thành phố tích cực phối hợp với các Đội Y tế dự phòng quận, huyện xử lý môi trường trường học; đồng thời tuyên truyền phụ huynh và học sinh về cách thức phòng ngừa bệnh. Ban giám hiệu các trường theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, trường hợp phát hiện cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường bị đỏ mắt thì cho nghỉ để điều trị bệnh dứt điểm.


NGỌC ĐOAN-VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.