.

Ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong công nhân

.

Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất có những công nhân có lối sống buông thả, bừa bãi, quan hệ cùng một lúc nhiều bạn tình nên nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS rất cao. Đây là một trong những cảnh báo đáng lo ngại về lây lan HIV/AIDS trong công nhân, lao động (CNLĐ) tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có thành phố Đà Nẵng.

“3 tự” trong phòng, chống HIV/AIDS

Người lao động rất cần được thông tin phòng chống HIV/AIDS (Ảnh mang tính chất minh họa).

Lao động từ nông thôn đến tìm việc làm tại các thành phố, khu công nghiệp ngày càng đông, trong khi điều kiện sinh hoạt về vật chất và tinh thần còn thiếu thốn. Một số nơi, công nhân lao động phải thuê nhà ở rất chật chội, tạm bợ, môi trường sống không bảo đảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, cờ bạc...

Bên cạnh đó, đời sống, việc làm của người lao động trong một số cơ quan, doanh nghiệp khó khăn, đặc biệt là một số doanh nghiệp đang có nguy cơ phá sản, lao động không có việc làm. Nhiều người lao động nản chí, bỏ việc, sa vào tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mại dâm. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tuyên truyền và hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân, lao động.

Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng trong nhiều năm qua, các cấp Công đoàn đã chủ động và tích cực tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Trong đó phải kể đến kế hoạch hành động phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm với mục tiêu: “Từ 2006-2010 tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ Công đoàn các cấp và CNLĐ về phòng, chống HIV/AIDS.

Tăng cường trách nhiệm của các cấp Công đoàn trong việc thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc; thúc đẩy công tác tuyên truyền đi đôi với việc thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc...”.

Liên đoàn Lao động thành phố đã tích cực triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS để hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe người lao động, ngăn chặn lây lan HIV/AIDS trong CNVCLĐ. Trong đó vận động mỗi Công đoàn cơ sở triển khai thực hiện “3 tự” trong phòng chống HIV. Đó là tự tin, tự giác và tự lập. Tránh những bị động, thiếu kiến thức tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây nhiễm HIV. Qua tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp xem đây là biện pháp bảo vệ người lao động, bảo đảm sản xuất kinh doanh ổn định, bền vững.

Xây để chống

Theo báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, thời gian gần đây, đối tượng nhiễm HIV mới tại thành phố Đà Nẵng phần lớn là người ngoại tỉnh. Trong đó, có những người lao động đang làm việc ở các công ty, xí nghiệp tại các khu công nghiệp, chế xuất. Bác sĩ Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố cho biết: “Có những người lao động đến xét nghiệm, tư vấn vì đã có những hành vi nguy cơ cao, tuy nhiên sau khi có kết quả xét nghiệm họ không quay lại, không được tư vấn cách phòng lây nhiễm. Phần lớn họ cung cấp thông tin nơi ở không chính xác nên chúng tôi rất khó khăn trong tiếp cận, tuyên truyền”.

Theo ông Võ Vạn, chuyên viên Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, mặc dù chưa thống kê được đối tượng công nhân, lao động vướng tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV, tuy nhiên nếu không có sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức thì khả năng xuất hiện tệ nạn xã hội, nhiễm HIV trong CNVCLĐ là điều khó tránh khỏi.

Tuy vậy, điều đáng lo là, hiện vẫn còn một số cán bộ Công đoàn, chủ doanh nghiệp chưa hiểu đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS. Vì vậy, không ít doanh nghiệp đưa vào thỏa ước lao động tập thể một số quy định trái với luật pháp hiện hành và các thông lệ quốc tế về chống kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.

Thêm vào đó, nhận thức chung về HIV/AIDS của cán bộ Công đoàn các cấp còn những hạn chế nhất định, chưa thấy rõ công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ người lao động, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, cộng đồng. Nhiều nơi vẫn duy trì các kỹ năng truyền thông cũ kỹ, thiếu hấp dẫn người xem, người nghe. Nội dung thông tin chưa được cập nhật, đổi mới nên hiệu quả tuyên truyền kém.
 
Đối tượng tuyên truyền không ổn định, cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS phần lớn là kiêm nhiệm nên không chuyên sâu, thiếu kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện. Những buổi tuyên truyền nặng về hình thức, không thu hút sự chú ý của người lao động. Do vậy, phương châm “Xây để chống” trong phòng, chống HIV/AIDS cần được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

Bài và ảnh: ANH ĐỨC

;
.
.
.
.
.