.

Phòng bệnh mùa đông cho trẻ

.

Mùa đông, thời tiết diễn biến bất thường, mưa và giá lạnh. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để cho một số loại bệnh phát triển. Sức đề kháng của cơ thể cũng có phần giảm sút hơn trong những ngày đông vì thời tiết lạnh, nếu không biết giữ ấm cơ thể cho trẻ thì rất dễ bị mắc bệnh. Sau đây là một số bệnh thường gặp vào mùa đông:

Trẻ sơ sinh.  (Ảnh minh họa)

* Cảm cúm: Đây là bệnh đường hô hấp, do virus gây ra. Bệnh lây qua các chất thải của người bệnh như nước bọt, nước mũi, đờm. Do vậy, người trong cùng gia đình có thể lây cho nhau hay trong cùng một lớp học có nhiều trẻ bị. Các biểu hiện của cảm cúm là sốt, nhức đầu, sổ mũi hay nghẹt mũi, ho, rát họng, mệt mỏi, đau nhức xương và các cơ.

Không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Trẻ cần được nghỉ ngơi, uống nhiều nước, uống thuốc hạ sốt, giảm đau, làm sạch mũi bằng thuốc nhỏ mũi thông thường là Natri Clorua 9‰. Các loại thuốc nhỏ mũi khác cần có sự chỉ định của bác sĩ, nếu không điều bất lợi có khi sẽ lớn hơn là mong muốn. Bệnh cảm có thể phòng được nhờ tiêm vaccine.

- Lưu ý: Trong tình hình dịch cúm A/H1N1 đang lưu hành, cần có sự cảnh giác đặc biệt. Bởi biểu hiện của bệnh cúm A/H1N1 cũng tương tự như là cảm cúm thông thường.

* Viêm họng cấp: Bệnh có thể do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Các biểu hiện có thể bất ngờ ập đến như sốt cao, ớn lạnh, nhức đầu, nuốt đau, sưng hạch góc hàm, buồn nôn hay nôn. Nếu soi đèn vào họng sẽ thấy họng tấy đỏ và 2 cục amidan sưng to, có thể có mủ trong những trường hợp nặng.Trẻ cần được khám họng và dùng thuốc kháng sinh cùng với các thuốc hạ sốt, giảm đau khác theo sự chỉ định của y, bác sĩ.

* Viêm phổi: Do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Các biểu hiện thường gặp là sốt, nhức đầu, thở nhanh, ho, khạc đàm. Những trường hợp nặng có biểu hiện khó thở. Dấu hiệu nhận biết khó thở ở trẻ nhỏ là thở hổn hển, gấp gáp, môi tím, các khoảng xương sườn co kéo, lồng ngực bị rút lõm do bị huy động vào việc tiếp ôxy cho cơ thể.

Tất cả các trường hợp nghi ngờ bị viêm phổi phải đưa khám bác sĩ để được chỉ định điều trị tốt nhất và có hiệu quả nhất.

* Quai bị: Bệnh do virus gây ra, lây qua đường hô hấp qua việc hít phải nước bọt mang mầm bệnh. Đây là một bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan cao, nhất là trong các nhà trẻ và các lớp học mẫu giáo.
Biểu hiện của bệnh là sốt, sưng má một bên hoặc cả hai bên trông giống như là Ông Địa trong đám múa lân nên bệnh quai bị còn có tên gọi dân gian là bệnh Ông Địa. Má sưng là do tuyến nước bọt ở mang tai bị viêm nhiễm và phình to ra. Đây không phải là ổ nhiễm trùng có mủ, không đau nhức nên không có gì đáng lo ngại và sẽ “tự động” xẹp trong vòng 2 tuần.

Bản thân bệnh quai bị không có gì đáng sợ, nhưng các biến chứng của nó mới thật sự để lại những hậu quả lâu dài như viêm tinh hoàn ở trẻ trai và viêm buồng trứng ở trẻ gái, có thể dẫn đến vô sinh sau này.

Trẻ cần được nghỉ ngơi (chạy nhảy nhiều dễ gây biến chứng), chăm sóc tại cơ sở y tế hoặc tại nhà để tránh lây lan cho các trẻ khác. Chế độ ăn lỏng, mềm, dễ tiêu và giàu chất dinh dưỡng. Nếu có biến chứng viêm tinh hoàn cần cho trẻ mặc quần “xịp” để nâng cao tinh hoàn, giảm căng và giảm đau.

- Lời khuyên phòng bệnh mùa đông: Cho trẻ mặc ấm, giữ không cho bị lạnh ngực, tránh nơi gió lùa. Không để chân trẻ bị ẩm ướt hoặc bị lạnh, nhất là khi đi ngủ. Tăng cường sự dinh dưỡng, nhất là cho trẻ ăn các thức ăn nóng.

Ths.Bs.MAI HỮU PHƯỚC

;
.
.
.
.
.