.

“Bóng đè”

Hình như ai trong đời cũng đã từng bị... bóng đè trong khi ngủ. Khi hiện tượng bóng đè xảy ra, con người rơi vào trạng thái nửa hư, nửa thực. Người bị bóng đè có thể nhớ và kể lại từng chi tiết những gì đã xảy ra trong khi ngủ. Chẳng hạn như là thấy có một ai đó dường như là kẻ trộm đang đột nhập vào nhà mình và bắt đầu khiêng đi đồ đạc.

Chủ nhân đang cố gắng làm một điều gì đó để ngăn chặn lại. Mắt thì nhìn thấy rõ ràng, nhưng miệng lại ú ớ nói chẳng nên lời, chân tay thì bất động tựa hồ như đã bị thôi miên. Cố gắng la hét, cố gắng vẫy vùng nhưng tất cả đều vô vọng. Rồi đột nhiên choàng tỉnh giấc, mồ hôi toát ra đầm đìa... Cũng có khi người bị bóng đè thoát ra khỏi cơn ác mộng nhờ sự đánh thức của người thân và nhận ngay ra rằng đêm vẫn yên tĩnh, không có chuyện gì xảy ra hết.

Bóng đè xét về mặt bản chất là một giấc mơ. Những người sức khỏe yếu, đang bệnh hoặc nằm ngủ không đúng tư thế thường dễ bị bóng đè hơn những người bình thường khác. Để tránh những cơn mơ nói chung và bóng đè nói riêng, cần phải có một chế độ sinh hoạt, học tập, nghỉ ngơi hợp lý, tạo một giấc ngủ ngon với tư thế nằm thoải mái. Trước khi ngủ không nên ăn quá no hoặc dùng các chất tác động đến hệ thần kinh như uống rượu, uống cà-phê, hút thuốc, không đọc các chuyện kinh dị, ma quái. Phòng ngủ cần thông thoáng, áo quần ngủ mềm mại, rộng rãi. Ngoài ra cũng cần tránh các stress và thường xuyên rèn luyện thân thể qua việc chơi các môn thể thao hoặc tập thể dục.

Những người thường bị bóng đè cần đánh giá xem có yếu tố nào liên quan trong các yếu tố nêu trên để tìm cách khắc phục. Làm được như vậy sẽ không bị bóng đè mà trái lại... đè bóng để có một giấc ngủ yên lành.

Ths.BsCKI.MAI HỮU PHƯỚC

;
.
.
.
.
.