Sau hơn 2 tháng kể từ khi xuất hiện ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên tại Mêhicô, đến cuối tháng 6-2009, Đà Nẵng xác định ca nhiễm đầu tiên. Trước đó, để chuẩn bị đối phó, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm A/H1N1 với nỗ lực chặn dịch từ các cửa khẩu đường hàng không, đường biển. Ngành Y tế cũng đã chuẩn bị các phương án, vật tư, nhân lực để chủ động chống dịch, kể cả diễn tập các tình huống giả định phát hiện, giám sát, thu dung, điều trị bệnh nhân trong cộng đồng.
Năm 2009, ngành Y tế vất vả phòng, chống, ngăn chặn đại dịch cúm A/H1N1. |
Mặc dù có những lúng túng nhất định khi xuất hiện những bệnh nhân đầu tiên, nhưng có thể thấy công tác chuẩn bị, đối phó với những tình huống khẩn cấp phòng, chống đại dịch được ngành Y tế thành phố thực hiện nghiêm túc, thận trọng, không chủ quan lơ là theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố và Bộ Y tế.
Bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho rằng, trong lúc ở một số tỉnh, thành khác, đã có lúc dịch bệnh vượt tầm kiểm soát, bệnh nhân xuất hiện nhiều trong cộng đồng, tỷ lệ tử vong tăng mạnh, thì tại Đà Nẵng số lượng bệnh nhân đã được hạn chế và ngành Y tế vẫn kiểm soát dịch bệnh, số người mắc và tử vong ít. Đây có thể xem là một thành công bước đầu chứng minh khả năng đối phó kịp thời với các loại dịch bệnh của ngành Y tế thành phố Đà Nẵng.
Trong năm 2009, ngành Y tế thành phố cũng đã kịp thời ứng phó và xử lý hiệu quả dịch sốt xuất huyết. Hiện nay, toàn ngành cùng các địa phương tích cực phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, không để xảy
ra dịch lây lan mạnh trong cộng đồng.
Tuy nhiên, một trở ngại rất lớn mà ngành Y tế thành phố vẫn chưa thể giải quyết được, đó chính là sự chủ quan, thiếu ý thức phòng bệnh của người dân. “Chúng tôi luôn xác định phòng bệnh hơn chữa bệnh là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Tuy vậy, nếu bản thân mỗi người dân không ý thức chủ động và có biện pháp phòng bệnh từ xa thì cho dù ngành Y tế tập trung cao độ về chuyên môn, dịch bệnh vẫn cứ xảy ra”, Thạc sĩ - bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung Y tế dự phòng thành phố thổ lộ.
Trong lúc đó, mỗi khi xuất hiện bệnh, người dân lại trông chờ vào những người thầy thuốc. Do đó, để cùng nhau ngăn chặn dịch bệnh, ngoài nỗ lực của ngành Y tế, chính quyền địa phương, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức phòng, chống, tiếp nhận thông tin, tìm hiểu về từng loại dịch bệnh và cách phòng ngừa hiệu quả nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG