Hiện nay, các loại thực phẩm chế biến sẵn được tiêu thụ khá nhiều trên thị trường, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, nhiều loại sản phẩm đã sử dụng phẩm màu trôi nổi làm chất phụ gia, rồi đem tiêu thụ khắp các hàng quán, chợ, trung tâm thương mại như mứt, kẹo, bánh, hạt dưa, mực tẩm, thịt quay, tương ớt... Những loại phẩm màu này giúp tạo ra màu sắc, làm tăng tính hấp dẫn của sản phẩm, nhưng không có tác dụng về dinh dưỡng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, gây tổn hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Người dân cần hạn chế sử dụng những thực phẩm chế biến sẵn có màu sắc lòe loẹt để phòng ngộ độc thực phẩm. |
Do vậy, loại này không được phép dùng trong thực phẩm. Trong danh mục tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 867/QĐ-BYT ngày 4-4-1998 chỉ cho phép sử dụng 21 loại phẩm màu (11 phẩm màu tự nhiên, 10 phẩm màu tổng hợp). Những loại phẩm màu này không gây độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng nhưng cũng cần sử dụng dưới mức giới hạn dư lượng cho phép.
Tuy nhiên, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh do quá ham lợi nên thường sử dụng phẩm màu vượt giới hạn cho phép, đặc biệt là màu tổng hợp, hoặc sử dụng phẩm màu ngoài danh mục cho phép. Thậm chí, có cơ sở sản xuất thực phẩm đã liều lĩnh, xem thường tính mạng người tiêu dùng, lấy phẩm màu sử dụng trong công nghiệp đưa vào sản xuất thực phẩm, điển hình như vụ hạt dưa chứa Rhodamine B - một loại hóa chất dùng để nhuộm len và lụa, có khả năng gây ung thư cho người sử dụng, được ngành chức năng phát hiện mới đây tại Đà Nẵng.
Cũng theo các nhà chuyên môn, ngộ độc phẩm màu công nghiệp chỉ đứng sau ngộ độc thuốc trừ sâu. Điều này đã chứng minh trong thời gian qua, khi một số địa phương trong nước đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn do ăn ở nhà hàng, tiệc cưới hoặc các bếp ăn tập thể phải đưa đi cấp cứu hàng loạt...
Thiết nghĩ, người tiêu dùng nên thận trọng khi chọn mua những thực phẩm có màu sắc lòe loẹt, không bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh, không rõ nguồn gốc. Về phía người sản xuất, nên kinh doanh có lương tâm, sử dụng đúng phẩm màu quy định sản xuất thực phẩm, tránh gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng.
Các cấp, các ngành chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất chấp hành những quy định trong sử dụng phẩm màu, sử dụng đúng phẩm màu trong danh mục của Bộ Y tế, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Có vậy mới phòng ngừa được tình trạng ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Quốc Tín